TP Hồ Chí Minh: Cảnh báo dịch đau mắt đỏ mùa tựu trường

Theo các bác sĩ, hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, bệnh này lại rất dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch, nhất là trong thời điểm học sinh tựu trường.

Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), từ ngày 28/8 - 31/8, bệnh viện đã thăm khám cho 188 trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ, đa số đều trong độ tuổi đến đi học.

Chú thích ảnh
Phụ huynh đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chuyên khoa Mắt - khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết, virus và vi khuẩn gây bệnh. Nguyên nhân gây viêm kết mạc thường do virus. Trong đó, khoảng 80% là Adenovirus, ngoài ra còn có thể do virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus…

“Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan và đường lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng do sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh, qua khăn rửa mặt, quần áo, nước trong bể bơi, qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh, dụi tay vào mắt... Đặc biệt, mùa tựu trường, khi các trường học đồng loạt bắt đầu bước vào năm học mới có thể khiến bệnh dễ lây lan hơn”, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết thông tin thêm.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh đau mắt đỏ gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều gèn rỉ (có thể rỉ trắng, dịch tiết dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh, vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn); sáng ngủ dậy trẻ khó mở mắt. Bên cạnh đó, trẻ có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt... Đặc biệt, trẻ có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc) gây chảy máu.

Theo ngành y tế, bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, bệnh đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan nhưng phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa cho trẻ được bằng cách hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám.

Đối với những người mắc bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Tuyết khuyến cáo, tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với mọi người xung quanh, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối. Khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng để tránh tái nhiễm lại.

Tin, ảnh: Đan Phương/ Báo Tin tức
Bệnh đau mắt đỏ lây qua những đường nào, làm gì để không bị lây bệnh?
Bệnh đau mắt đỏ lây qua những đường nào, làm gì để không bị lây bệnh?

Bệnh đau mắt đỏ có thể lây từ người này sang người khác qua nước mắt và rử ghèn có chứa nhiều mầm bệnh; qua dịch tiết đường hô hấp, dùng chung dụng cụ chưa khử khuẩn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN