Thách thức 'kép' về gia tăng nhiễm HIV và đậu mùa khỉ trong cộng đồng

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, song những năm gần đây, Thành phố đang phải đối mặt với số ca nhiễm HIV mới có xu hướng gia tăng, nhất là ở đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới.

Đáng chú ý, sự xuất hiện của các ca đồng nhiễm HIV và đậu mùa khỉ đang trở thành thách thức trong công tác phòng, chống HIV nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung.

HIV gia tăng ở đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm HIV điều trị tại Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, tính đến cuối năm 2022 số ca nhiễm ước tính tại TP Hồ Chí Minh là khoảng gần 60.000 người. Trong đó, 10.400 người tử vong, số người nhiễm HIV còn sống và quản lý được là 48.508 trường hợp. Riêng năm 2022, Thành phố phát hiện thêm 5.870 trường hợp nhiễm HIV. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2010-2022, tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV có chiều hướng giảm và duy trì ở mức thấp trong nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới lại có xu hướng tăng từ năm 2010 và chưa có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Hiện, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm HIV chiếm tỷ lệ lớn với 76% số ca nhiễm mới.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lý giải, do nhóm đồng giới nam quan hệ tình dục chủ yếu qua đường hậu môn; trong khi đó niêm mạc hậu môn mỏng, cộng với niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch nên dễ bị tổn thương và chảy máu. Thông qua vết thương, virus HIV sẽ xâm nhập từ người nhiễm HIV sang người chưa nhiễm. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh khi quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là rất cao.

Đáng chú ý, xu hướng lây nhiễm HIV trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên đang trở thành mối lo ngại lớn. Bác sỹ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong những năm qua, đơn vị quản lý điều trị cho hàng trăm trẻ em nhiễm HIV. Mặc dù ban đầu mục đích của đơn vị là tiếp nhận điều trị cho trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con nhưng nhờ những tác động tích cực từ chương trình phòng, chống lây truyền mẹ - con nên số lượng trẻ sinh ra nhiễm HIV ngày càng giảm dần. Song, một vấn đề khác nổi cộm lên gần đây là xu hướng trẻ trong độ tuổi vị thành niên nhiễm HIV có xu hướng tăng cao. “Có những trẻ mới chỉ học cấp 2 đã bị nhiễm HIV, nghĩa là các con mới chỉ vừa 13, 14 tuổi và hầu hết là do quan hệ tình dục không an toàn. Các bé trai tuổi vị thành niên thường bị các đàn anh lớn tuổi hơn rủ rê quan hệ tình dục, trong khi các con chưa có kiến thức phòng tránh và chưa định hình rõ được giới tính của bản thân. Từ đó các con lây nhiễm cho nhau”, bác sỹ Quy chia sẻ. Thậm chí, trong quá trình điều tra dịch tễ, các bác sỹ còn phát hiện nhiều trẻ em trai bị lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục khi tham gia các đội, nhóm như nhóm nhảy, nhóm sinh hoạt chung hoặc làm việc chung các tiệm massage, phun xăm thẩm mỹ, tiệm nail…

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vấn đề gia tăng lây nhiễm HIV trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là ở trẻ trong độ tuổi vị thành niên rất đáng lưu tâm. Theo bác sỹ Khanh, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, khoảng cách giữa phụ huynh và con cái ngày càng lớn thì trẻ dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường tình dục đồng giới không an toàn. Đặc biệt, trẻ có xu hướng tình dục đồng giới rất khó được chấp nhận bởi phụ huynh và cộng đồng, do đó, trẻ sẽ thường che đậy và đây chính là nguồn lây HIV, các bệnh truyền nhiễm khác như giang mai, sùi mào gà, lậu, đậu mùa khỉ… 

Thách thức đồng mắc HIV và đậu mùa khỉ

Tính đến cuối tháng 11/2023, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 82 trường hợp có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh ghi nhận 74 trường hợp lưu trú tại Thành phố và 8 trường hợp lưu trú tại các tỉnh, thành khác. Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ. Cả hai trường hợp này đều đồng nhiễm HIV và đậu mùa khỉ.

Phân tích các ca bệnh mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh thì 100% ca bệnh là nam giới, 76% ca bệnh thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, 73% ca bệnh dương tính với HIV. Như vậy, tỷ lệ đồng mắc HIV và đậu mùa khỉ trong cộng đồng, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hiện rất cao. Lý giải về tình trạng này, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, do đường lây truyền của HIV và đậu mùa khỉ giống nhau, chủ yếu lây qua đường tình dục nên chỉ cần có những hành vi quan hệ tình dục không an toàn thì cả virus HIV lẫn đậu mùa khỉ đều lây lan. Vì thế, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm cả HIV và đậu mùa khỉ cao hơn so với người bình thường. Cũng theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, con đường lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ và HIV trên bệnh nhân có thể diễn ra song song hoặc bệnh nhân đã nhiễm HIV trước khi mắc đậu mùa khỉ. “Khi nhiễm cùng lúc nhiều loại bệnh sẽ khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, tử vong sẽ ở mức cao”, bác sỹ Khanh khuyến cáo.

Song, bác sỹ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho rằng, không thể đánh đồng đậu mùa khỉ với HIV bởi không phải tất cả người nhiễm HIV cũng đều mắc bệnh đậu mùa khỉ và những người không mắc HIV thì sẽ không mắc đậu mùa khỉ. Người hiễm HIV hay không cũng đều có nguy cơ bị lây truyền đậu mùa khỉ nếu như có tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, bác sỹ Lê Hồng Nga khuyến cáo, trước hết cần hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, tránh hành vi quan hệ tình dục không an toàn; những người có trên một bạn tình, bao gồm cả những người nhiễm HIV, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh để tránh lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng.   

Để giảm tỷ lệ lây HIV và nhiễm đậu mùa khỉ trong cộng đồng thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã triển khai các hoạt động giám sát và phòng, chống đậu mùa khỉ lồng ghép vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Cụ thể, tất cả khách hàng đang sử dụng dịch vụ phòng chống HIV (bao gồm cả tư vấn xét nghiệm, điều trị methadon, ARV, điều trị dự phòng trước, sau phơi nhiễm) đều được sàng lọc các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán, những trường hợp đã có xét nghiệm xác định sẽ được đánh giá tình trạng lâm sàng và phân tuyến điều trị phù hợp.

Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh hàng loạt hoạt động truyền thông đại chúng, truyền thông trong các nhóm cộng đồng nguy cơ, tập huấn kỹ năng chẩn đoán và điều trị cho các cơ sở y tế về các bệnh truyền nhiễm với mục tiêu kiểm soát tốt ca mắc mới cũng như hạn chế những hệ lụy mà HIV, đậu mùa khỉ nói riêng, các bệnh truyền nhiễm khác nói chung gây ra cho cộng đồng.

Đinh Hằng (TTXVN)
Nhiều hoạt động đáp ứng sự thay đổi về hình thái dịch HIV
Nhiều hoạt động đáp ứng sự thay đổi về hình thái dịch HIV

Bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) trao đổi với phóng viên báo Tin tức về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay, những thay đổi hình thái dịch, các mô hình phòng dịch đang áp dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN