Phát hiện trường hợp mắc hội chứng ‘đứng ngồi không yên’ do kích thích đường sinh dục

Sau khi được tiểu phẫu sa sinh dục và về nhà, nữ bệnh nhân 63 tuổi luôn nghĩ rằng khối sa sinh dục không được đặt đúng chỗ dẫn đến lo lắng, bồn chồn, mất ăn mất ngủ, đôi khi “muốn chết vì thấy quá khó chịu”. Qua thăm khám, bác sĩ nhận định bệnh nhận bị hội chứng Akathisia với các triệu chứng kích thích đường sinh dục. Đây là một trường hợp hiếm gặp trong điều trị tâm lý tâm thần.

Tại hội nghị khoa học Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn 2022, ThS. BS CK1 Nguyễn Trung Nghĩa, Đơn vị Tâm lý tâm thần Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã có báo cáo về việc tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bị hội chứng Akathisia với các triệu chứng kích thích đường sinh dục. Đây là một ca hiếm gặp trong điều trị tâm lý tâm thần.

Chú thích ảnh
ThS. BS CK1 Nguyễn Trung Nghĩa báo cáo trường hợp hiếm gặp hội chứng Akathisia với các triệu chứng kích thích đường sinh dục.

Theo ThS. BS CK1 Nguyễn Trung Nghĩa, Akathisia là một hội chứng tâm thần vận động. Biểu hiện lâm sàng của hội chứng Akathisia thường xuyên bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với tình trạng than phiền về các triệu chứng cơ thể, điều thường gặp ở nhóm đối tượng bệnh nhân có lo âu mức độ nhiều. Bên cạnh đó, nhóm triệu chứng sinh dục cũng có tần suất hiếm gặp trên lâm sàng, chủ yếu chỉ được mô tả qua một vài báo cáo lâm sàng. Chính vì những điều này, bệnh nhân mắc Akathisia thường đến khám nhiều chuyên khoa khác nhau trước khi được chuyển gửi hoặc phát hiện ra bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Cụ thể, bệnh nhân nữ 63 tuổi đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vì cảm giác khó chịu ở cơ quan sinh dục. Theo mô tả, bệnh nhân cảm thấy phía trong âm đạo liên tục co bóp gây cảm giác “thốn”, “không thể ngồi yên được”, “phải đi tới đi lui cho đỡ”. Bệnh nhân cho biết, một tháng trước, bà có cảm giác co bóp khó chịu ở vùng sinh dục nhưng vẫn ngồi yên được. Sau khi khám chuyên khoa sản - phụ khoa tại một bệnh viện, bà được chẩn đoán sa sinh dục độ 2 và được thực hiện tiểu phẫu. Tuy nhiên, sau tiểu phẫu, bà cảm thấy co bóp tăng thêm, khó chịu đến mức phải đi tới đi lui, đêm không ngủ được.

Tuy nhiên, qua thăm khám phụ khoa không ghi nhận bất thường về giải phẫu, vị trí hay vận động của vùng sinh dục tương ứng với cảm giác co bóp và bồn chồn dữ dội của bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân được giới thiệu thăm khám chuyên khoa tâm thần. ThS. BS CK1 Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, tại buổi thăm khám đầu tiên ở khoa Tâm thần, bệnh nhân có biểu hiện căng thẳng rõ rệt, ngồi không yên, bồn chồn, bứt rứt dữ dội, đi tới đi lui trong phòng khám. Đặc biệt, bệnh nhân liên tục than phiền và có niềm tin mạnh mẽ rằng khối sa sinh dục không được đặt đúng chỗ, thừa nhận lo lắng nhiều, mất ngủ, ăn uống không ngon miệng, giảm tập trung chú ý, đôi khi “muốn chết cho rồi vì thấy quá khó chịu”.

ThS. BS CK1 Nguyễn Trung Nghĩa cho rằng, Akathisia gây nên những tác động tiêu cực, gia tăng gánh nặng của người chăm sóc và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, đến mức người bệnh có thể gia tăng ý nghĩ tự sát, xuất hiện hành vi gây hấn và bạo lực. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và tiếp cận Akathisia hiện tại vẫn là một thách thức lớn trong thực hành lâm sàng vì mức độ biểu hiện triệu chứng đa dạng, chồng lấp, dễ gây nhầm lần.

"Việc chẩn đoán và điều trị đúng giúp giảm nguy cơ làm nặng lên triệu chứng Akathisia; đồng thời giảm các nguy cơ về ý tưởng tự sát, hành vi gây hấn, kích động. Bên cạnh đó, việc phát hiện và chẩn đoán đúng còn giúp giảm gánh nặng cho người chăm sóc, giảm thời gian chịu đựng, tiết kiệm chi phí điều trị và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh", ThS. BS CK1 Nguyễn Trung Nghĩa thông tin thêm.

Hội nghị khoa học Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn 2022 có sự tham gia của hơn 200 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, các chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện trong hệ thống y khoa Hoàn Mỹ. Đây là hoạt động mang tính thường niên và được chú trọng đầu tư nhằm nâng cao và phát triển chuyên môn chất lượng hơn thông qua việc trình bày các dự án nghiên cứu khoa học nổi trội của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện trong năm 2022. Hội nghị có 31 đề tài nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực như tim mạch, tiêu hóa, thần kinh - đột quỵ, sản phụ, chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh, ung bướu, dược, dinh dưỡng…

Đan Phương/Báo Tin tức
Nhiều khó khăn trong quản lý đối tượng bắt buộc chữa bệnh tâm thần
Nhiều khó khăn trong quản lý đối tượng bắt buộc chữa bệnh tâm thần

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành liên quan các về tiếp nhận, điều trị và quản lý bệnh nhân bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh tâm thần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN