Người phải làm việc trong thời tiết giá rét làm như thế nào để tự bảo vệ bản thân?

Khi làm việc ngoài trời, người dân cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; giữ khô tay, chân; giữ ấm cổ, ngực; đeo khẩu trang khi làm việc... Cần đặc biệt chú ý các biểu hiện hạ thân nhiệt.

Chú thích ảnh
Người làm việc ngoài trời lạnh cần giữ ấm để tránh ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh: TTXVN

Cục Môi trường y tế (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc và Trung Bộ (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) về việc tăng cường hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trong mùa lạnh. 

Theo đại diện Bộ Y tế, hiện tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang xảy ra rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người lao động, nhất là những người có nguy cơ cao như người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp, người lao động làm việc ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới.

Để chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe người dân, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị các Sở Y tế triển khai các biện pháp chống rét, và kèm Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa lạnh.

Cụ thể, theo Hướng dẫn trên, vào mùa lạnh, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như: Viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ; bên cạnh đó có cả ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu... Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Theo đó, Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn, đối với những người phải làm việc trong thời tiết lạnh cần thực hiện các biện pháp sau để chống rét, tránh ảnh hưởng sức khỏe:

- Nếu người dân phải làm việc ngoài trời cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm.

- Cần phải giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt đặc biệt công nhân làm việc ngoài trời, trong hầm lò… Người dân đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp.

- Những ngày mưa rét, người dân làm việc ngoài trời, phải trang bị và sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động nhứ: Áo chống nước, áo mưa, mũ, găng tay đệm bông và lớp ngoài chống nước; giày ủng ấm và chống nước... vì quần áo, đầu tóc ướt sẽ làm mất nhiệt nhanh chóng khiến cơ thể bị nhiễm lạnh.

- Khi ra ngoài trời lạnh, nhất thiết phải mặc ấm đặc biệt cần giữ ấm cổ và ngực. Trong lúc lao động, nếu thấy người nóng lên, nên cởi bớt áo dần dần.

- Để có đủ nhiệt lượng lao động và chống rét, người lao động cần ăn uống đầy đủ chất đặc biệt là chất béo, gluxit và nên ăn uống nóng.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn, người dân cần chú ý các biểu hiện của cơ thể có thể gây nguy hiểm trong trời rét như:

- Các biểu hiện: Đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... Khi có xuất hiện các triệu chứng cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.

- Thời tiết lạnh có thể gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Người dân nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp.

- Chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là ở người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh. Các biểu hiện của giảm thân nhiệt gồm: Run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ, nói lơ và buồn ngủ... Ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay.

- Khi bị nhiễm lạnh, cơ thể có thể xuất hiện các biểu hiện ho, sốt; người dân cần đi khám bác sỹ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp; không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Trời rét, người già nên tập thể dục thế nào để phòng đột quỵ?
Trời rét, người già nên tập thể dục thế nào để phòng đột quỵ?

Trong Chương trình Podcast "Bác sĩ ơi" hôm nay, phóng viên Tạ Nguyên sẽ trao đổi với TS.BS Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị về chủ đề rất đáng quan tâm: Trời rét, người già nên tập thể dục thế nào để phòng được bệnh đột quỵ?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN