Mong muốn lan tỏa nghĩa cử cao đẹp
Tranh thủ thu xếp công việc, vợ chồng anh Phùng Xuân Quang, ở Vân Canh, Hà Nội đã đến Chương trình, cùng tham gia hiến máu với mong muốn luôn có đủ nguồn máu điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
“Thời gian qua, việc thiếu máu điều trị đôi khi vẫn xảy ra, nhiều thời điểm lượng máu dự trữ để cung cấp cho điều trị không đủ, đáng ngại nhất là với các cháu nhỏ bị bệnh về máu. Bởi vậy, mỗi đơn vị máu được cho từ người hiến vô cùng quý giá, đó là món quà rất ý nghĩa, đã mang lại sự sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo”, Anh Phùng Xuân Quang chia sẻ.
Không ngại mưa rét, đến hiến máu từ sớm, anh Nguyễn Văn Sinh, ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Tôi đã hiến máu nhiều lần và càng ngày càng cảm thấy đây là một việc nên làm, có thể giúp đỡ cho các bệnh nhân cần máu điều trị mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Năm nay tôi hiến vào đúng dịp Lễ hội Xuân hồng vì mong muốn có thể góp phần lan tỏa tinh thần nhân đạo, cộng đồng sẽ càng hưởng ứng nhiệt tình hơn và cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp này”.
Trong khí thế của những ngày đầu năm mới, Lễ hội Xuân hồng, sự kiện hiến máu tình nguyện lớn nhất dịp đầu năm do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức đã thu hút đông đảo người dân đến tham dự, tham gia hiến máu, với thông điệp "Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống".
Những năm gần đây, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác thường diễn ra tình trạng thiếu nguồn máu điều trị nghiêm trọng do thiếu hụt nguồn người hiến máu. Từ thực trạng đó, Chương trình Lễ hội Xuân hồng thường được tổ chức ngay từ đầu năm với mong muốn góp phần đảm bảo đủ máu cho hoạt động khám chữa bệnh của nhân dân trong và sau Tết.
Với những ý nghĩa to lớn đó, từ năm 2010 đến nay, Lễ hội Xuân hồng đã trở thành một chiến dịch vận động hiến máu lớn trên cả nước. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tổ chức và chọn Lễ hội Xuân hồng là chương trình hiến máu khởi động cho một mùa xuân mới; nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng tổ chức hưởng ứng vào dịp này.
Chương trình với 3 mục tiêu lớn là: Góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng ngay sau mỗi dịp Tết Nguyên Đán; thay đổi quan niệm, nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu dịp Tết. Hiến máu đã dần trở thành nét đẹp văn hoá đầu xuân mới cùng với làm việc tốt, việc thiện để thêm may mắn; đây cũng là cơ hội để “diễn tập” các biện pháp huy động người hiến máu, phương án tổ chức tiếp nhận người hiến máu với nhiều quy mô, điều kiện hoàn cảnh khác nhau, phòng trường hợp khẩn cấp, thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh cần máu.
Nhận thức của nhân dân ngày càng thay đổi
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết: “Lễ hội Xuân hồng 2022 tại Hà Nội sẽ được diễn ra liên tục trong 9 ngày từ ngày 12/2 đến 20/2/2022 tại 5 địa điểm khác nhau; dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 7.000 đơn vị máu toàn phần và trên 1.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách; . Ban tổ chức Lễ hội Xuân hồng đã chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân có thể yên tâm đến tham gia hiến máu tình nguyện”.
Theo TS. Bạch Quốc Khánh, hiện nay, tinh thần tham gia hiến máu của cộng đồng đã có những bước tiến rất tích cực, người dân tham gia rất nhiệt tình, đông đảo. Vì vậy dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm nay đã không xảy ra tình trạng thiếu máu điều trị như những năm trước. Thậm chí ngay trong những ngày Tết Nguyên đán, kể cả ngày mùng 1 Tết vẫn có khá đông người dân đến tham gia hiến máu. Trong toàn bộ dịp Tết và những ngày sau Tết, chúng tôi vẫn có thể đảm bảo cung cấp đủ 100% nhu cầu máu điều trị cho 102 bệnh viện mà Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương phụ trách”.
Theo đó, thành công lớn trong hoạt động hiến máu là dù dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp trong suốt 2 năm qua, các hoạt động hiến máu tình nguyện đã được tổ chức liên tục với số lượng người tham gia rất động nhưng chưa xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh khi người dân đến các điểm hiến máu.
“Các biện pháp chúng tôi đang triển khai là ưu tiên tuân thủ 5K của Bộ Y tế, tất cả người hiến đều khai báo y tế đầy đủ, các biện pháp giảm thời gian chờ đợi, giảm tập trung đông người như: Kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện ra nhiều ngày hơn; để người dân có thể bố trí được thời gian tham gia phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai phần mềm Hiến máu để người hiến có thể khai báo trước các nội dung, tránh thời gian chờ đợi và có thể nhận lịch hẹn hiến máu để tránh tập trung quá đông trong buổi hiến máu”, TS. Bạch Quốc Khánh chia sẻ.
Clip ghi nhận không khí hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng 2022: