Nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêm chủng an toàn

Cục Quản lý dược là cơ quan đầu mối thường xuyên trao đổi, tập huấn để đảm bảo chất lượng vaccine, liên tục giám sát, kiểm định vaccine lưu hành trên thị trường. Các vaccine nhập khẩu phải được cấp phép ở nước sở tại, khi về Việt Nam phải kiểm định lại, đạt tiêu chuẩn một lần nữa mới được đưa vào sử dụng. Vì vậy, người dân có thể yên tâm về chất lượng vacinne được sử dụng hiện nay".

Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm "Tiêm chủng vaccine an toàn - nâng cao nhận thức cộng đồng" do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 10/7.

Đã có đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp phép vaccine tay chân miệng tại Việt Nam

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, thế giới đang nghiên cứu nhiều vaccine mới, hiện đã có vaccine như: ngừa ung thư cổ tử cung trên thị trường, đồng thời đang nghiên cứu vaccine ngừa ung thư gan, chân tay miệng… Đối với một số bệnh dịch mới như chân tay miệng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tìm nguồn cung ứng vaccine. 

"Ngày 30/5 đã có đơn vị nộp hồ sơ đăng ký. Chúng tôi đã đưa hồ sơ này vào nhóm ưu tiên để xem xét, cấp phép lưu hành. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị nhập khẩu, các cơ sở nghiên cứu lâm sàng thực hiện các khâu đánh giá chặt chẽ để đảm bảo vaccine đến tay người dùng một cách an toàn nhất", Phó Cục trưởng Lê Việt Dũng khẳng định.

Liên quan đến tiêm vaccine COVID-19, Tiến sỹ Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn đưa vaccine phòng COVID-19 vào hoạt động thường xuyên để tiếp tục tiêm chủng cho nhóm người nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người cao tuổi, người có bệnh nền, người hệ miễn dịch suy giảm...); đồng thời, tiêm các mũi cơ bản và mũi tiêm nhắc, tiêm bổ sung cho nhóm trẻ em từ 4 lên 5 tuổi, 11 tuổi lên 12 tuổi.

Kiểm soát chất lượng vaccine, bảo đảm an toàn tiêm chủng

Đề cập về việc kiểm soát chất lượng vaccine từ khi sản xuất đến nhập khẩu và sử dụng tiêm chủng, ông Lê Việt Dũng khẳng định, Cục Quản lý dược là đơn vị theo dõi chất lượng vaccine, cấp phép lưu hành, kinh doanh, kiểm soát thông tin, theo dõi phản ứng sau tiêm… cùng các đơn vị khác của Bộ Y tế. Hệ thống quản lý an toàn vaccine của Việt Nam đang ở cấp độ 3, là cấp độ rất cao. Việt Nam chỉ thiếu 1 điểm để đạt cấp độ 4 như các nước phát triển là thiếu dược sĩ tại cửa khẩu nơi nhập khẩu vaccine. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị nhập khẩu, cơ sở nghiên cứu lâm sàng thực hiện các khâu đánh giá chặt chẽ để đảm bảo vaccine đến tay người dùng một cách an toàn nhất. Đồng thời, Bộ Y tế luôn nỗ lực để đủ vaccine cho cả chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Thời gian qua có tình trạng thiếu vaccine do một số nguyên nhân liên quan nhà sản xuất, cung ứng, mua sắm… nhưng là cục bộ. Việc này sẽ được giải quyết thời gian tới.

Thông tin về quy trình tiêm chủng an toàn, ông Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, quy trình này gồm 4 bước. Đầu tiên là xác định đối tượng cần được tiêm, loại vaccine được chỉ định, khám sàng lọc. Đối với vấn đề khám sàng lọc, Bộ Y tế đã sửa đổi hướng dẫn nhiều lần, mới đây đã có hướng dẫn mới cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi với các hạng mục đầy đủ. Trẻ nếu có bất kỳ vấn đề gì sẽ được chuyển đến bệnh viện tiêm chủng, nếu an toàn đủ điều kiện mới được thực hiện tiêm; sau đó là tư vấn sau tiêm để đảm bảo trẻ khi tiêm xong được theo dõi an toàn. Các điểm tiêm đã được trang bị những tờ hướng dẫn, phụ huynh sẽ biết để theo dõi trẻ tại nhà. Thực hiện tất cả các bước này sẽ đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro sau tiêm.

Giải thích thêm về quy trình tiêm chủng an toàn, bà Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ, tiêm chủng an toàn là một quy trình nhằm đảm bảo: Không nguy hại cho người được tiêm; không gây nhiễm cho người tiêm; không tạo chất thải nguy hiểm cho người khác và cho cộng đồng... 

Theo bà Bạch Thị Chính, trẻ cần được khám sàng lọc trước khi tiêm nhằm để chỉ định đúng loại vaccine theo lứa tuổi giúp cho trẻ được phòng bệnh sớm và đầy đủ; hạn chế thấp nhất những phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra do những bệnh lý trùng lặp. Cơ sở tiêm hướng dẫn cho phụ huynh biết được những tác dụng không mong muốn sau khi tiêm ngừa, đặc biệt những dấu hiệu nặng có thể xảy ra sớm trong vòng 30 phút hoặc muộn hơn nhằm có thể xử trí kịp thời. Ngoài ra, nhân viên y tế hướng dẫn cho phụ huynh biết những phản ứng nhẹ có thể chăm sóc tại nhà sau khi tiêm chủng, giúp phụ huynh an tâm khi đưa con em mình đi tiêm chủng. Lợi ích của khám sàng lọc còn giúp cho phụ huynh biết được lịch tiêm chủng của từng loại vaccine để trẻ - khách hàng có thể tiêm chủng đầy đủ đúng lịch.

Nhiều vaccine mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Thông tin về lộ trình của chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, Tiến sỹ Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Bộ Y tế) khẳng định, sẽ có nhiều loại vaccine mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Cụ thể, trong năm 2023, vaccine Rotavirus phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota gây ra sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều tỉnh, thành, sau đó sẽ triển khai trên toàn quốc vào năm 2024. Đây là vaccine phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ đầu tiên được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí.

Ba loại vaccine phòng bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa dự kiến được đưa vào tiêm chủng miễn phí lần lượt từ năm 2025, năm 2026 và năm 2030.
 
Việc đưa thêm 4 loại vaccine vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội tiếp cận vaccine để phòng bệnh.

Vaccine cúm hiện đang được tiêm chủng dịch vụ với giá từ 190.000 đồng - 350.000 đồng/một lần tiêm tùy từng loại vaccine. Vaccine ung thư cổ tử cung có giá khoảng từ 1 - 2 triệu đồng/một lần tiêm. Vaccine phế cầu khoảng 1,2 triệu đồng/một lần tiêm và vaccine Rota từ 500.000-700.000 đồng/liều cho một lần uống. Như vậy, khi các loại vaccine này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm miễn phí.

Các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay phòng được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm gồm: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, bệnh tả (vùng có nguy cơ cao) và thương hàn (vùng có nguy cơ cao)...

Đề cập về sự cần thiết phải tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi, Tiến sỹ Đặng Thanh Huyền nêu rõ: "Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Dịch sởi tại Việt Nam thường có diễn biến theo chu kỳ, trung bình mỗi 4 - 5 năm lại ghi nhận tình trạng tăng cao của các ca bệnh sởi. Trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương, còn nhiều quốc gia chưa loại trừ được bệnh sởi, căn bệnh này vẫn là một thách thức trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo dịch sởi, bại liệt quay trở lại sau dịch COVID-19, do đó nguy cơ bệnh sởi xâm nhập, bùng phát trở lại Việt Nam là rất lớn".

Tiến sỹ Đặng Thanh Huyền đánh giá, vaccine sởi là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng ngừa căn bệnh này và sẽ còn được sử dụng trong nhiều năm tới đây. Trong ba năm dịch COVID vừa qua, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh, hàng trăm ngàn trẻ chưa được tiêm chủng đủ mũi trong cộng đồng. Đây là yếu tố thuận lợi cho bệnh sởi quay trở lại. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý kiểm tra lại xem con đã tiêm đủ hai mũi vaccine sởi chưa. Nếu chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi vaccien chứa thành phần sởi, cần nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm trước khi bước vào mùa thu - đông.

"Người lớn có thể mắc bệnh sởi và sởi Đức (rubella) nếu chưa có miễn dịch phòng bệnh như đã từng mắc bệnh hoặc đã từng tiêm chủng. Bệnh rubella đặc biệt nguy hiểm đối với thai nhi. Vì vậy, người lớn, đặc biệt là nữ tuổi sinh đẻ, cũng cần tiêm vaccine phòng sởi và rubella, tốt nhất là trước khi mang thai ít nhất 1 tháng. Vaccine sởi-rubella hoặc sởi - quai bị - rubella an toàn và rất phổ biến tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ...", bà Đặng Thanh Huyền khuyến cáo.

P. H (TTXVN)
Cần tiêm chủng vaccine kịp thời để loại trừ nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Cần tiêm chủng vaccine kịp thời để loại trừ nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cho con đi tiêm chủng theo lịch. Trong trường hợp tiêm chậm muộn, cần được tiêm bù mũi càng sớm càng tốt, không phải tiêm lại từ đầu. Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm bù mũi, tiêm vét các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN