Hoa sữa, loại cây nhiều người dị ứng nhưng có tác dụng chữa bệnh

Gây dị ứng, khó chịu cho nhiều người vì mùi hương và phấn hoa, tuy nhiên trong đông y, cây hoa sữa lại là vị thuốc quý có thể chữa bệnh.

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết: Hoa sữa có tên khoa học là alstonia scholaris, họ trúc đào (apocynaceae). Sở dĩ cây có tên là "hoa sữa" vì khi bị thương tổn, thân cây chảy ra chất nhựa có màu trắng như sữa.

Hoa sữa được trồng và mọc hoang nhiều ở nước ta, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Đây là loài thực vật thân gỗ, chiều cao trung bình 15-30 m, thân tròn, thẳng, vỏ ngoài có màu nâu, nứt nẻ, bên trong chứa nhiều nhựa trắng. Lá mọc vòng, phiến có hình bầu dục dài, lá rộng khoảng 5,5-6,5 cm và dài 8-22 cm. Hoa mọc thành từng cụm, ở đầu cành, màu trắng hoặc xanh nhạt, có mùi thơm đặc trưng.

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, hoa sữa có khả năng gây dị ứng cao, đặc biệt là phấn hoa. Mùi hoa sữa bản chất rất nồn,g khi đứng gần hoặc ngửi nhiều thời gian dài sẽ gây khó chịu với người cơ địa nhạy cảm, nhất là nhóm người có tiền sử mắc bệnh hô hấp. Ngoài ra, phấn hoa sữa theo gió hòa lẫn vào không khí, con người hít vào cũng dễ bị dị ứng, dẫn đến tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi ảnh hưởng sức khỏe.

Chú thích ảnh
Hoa sữa có mùi nồng, dễ gây dị ứng với người có cơ địa nhạy cảm nhưng là vị thuốc trong đông y (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Công dụng của hoa sữa

Tuy hoa sữa dễ gây dị ứng, song lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ vỏ và lá của cây hoa là vị thuốc chữa bệnh.

Theo quan niệm Đông y, cây hoa sữa vị đắng, tính mát, quy kinh phế và can, có tác dụng tiêu tích, trừ đờm, giải độc, bình suyễn, chỉ khát, kiện vị, phát hãn và thông kinh.

Cây hoa sữa được sử dụng chữa rối loạn kinh nguyệt, làm thuốc bồi bổ sức khỏe, trị sốt rét cấp và mạn tính, lở ngứa ngoài da, sốt cao, thiếu máu, lỵ, tiêu chảy, viêm khớp. Ở Ấn Độ, hoa sữa được dùng để trị các bệnh về răng do có tác dụng kháng khuẩn.

Một số nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, hoa sữa giúp chống viêm, giảm cơn ho, hen suyễn và cơn đau. Methanol trong lá của cây sữa có thể chống lại alpha-glucoside, tiềm năng phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường. Alkaloid trong cây sữa có tác dụng chống lại tế bào ung thư và tăng khả sống sót của chuột thực nghiệm. Một số alkaloid trong hoa sữa như echitamine, echitenine và ditamine có thể sử dụng để thay thế quinine trong điều trị sốt rét. Ngoài ra, thực nghiệm lâm sàng cho thấy, nước sắc từ vỏ cây có tác dụng làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.

Một số bài thuốc từ cây hoa sữa

- Bài thuốc chữa đau răng: Một ít vỏ hoa sữa đem sắc đặc và dùng để ngâm, súc miệng.

- Bài thuốc trị chứng thiếu máu và buồn nôn do thực hiện hóa trị liệu: Lá sữa 20g đem sao vàng, sắc lấy nước uống.

- Bài thuốc trị chứng bạch huyết cấp gây ho hen: Anh túc xác 6g, Ngũ vị tử, Vỏ sữa và Tử thảo mỗi vị 15g; sắc lấy nước ngày dùng 1 thang, chia nước sắc thành nhiều lần dùng.

- Rượu vỏ cây hoa sữa có tác dụng kích thích tiêu hóa: Vỏ cây sữa (tán nhỏ) 75g và rượu 30 – 35 độ khoảng 500ml. Đem ngâm trong vòng 7 ngày, sau đó lọc bỏ bã và thêm rượu vào sao cho đủ 500ml. Mỗi ngày dùng 20ml trước bữa ăn chính 15 phút, ngày dùng 2 lần.

- Bài thuốc trị ăn kém, người gầy và có tạng nhiệt: Bột từ vỏ cây sữa. Dùng 1 - 3g bột uống cùng với nước ấm.

Lương y Bùi Đắc Sáng lưu ý, người dân cần lưu ý, tránh nhầm lẫn hoa cây hoa sữa với cây vú sữa. Ngoài ra, sử dụng vỏ cây hoa sữa liều cao có thể gây độc. Tránh dùng bài thuốc trong thời gian dài. Vì cây sữa có thể làm giảm trọng lượng của tinh hoàn, tuyến tiền liệt và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới. Hoa sữa có khả năng gây dị ứng cao (đặc biệt là phấn hoa), cần tránh sử dụng dược liệu cho người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm kết mạc dị ứng. Trước khi áp dụng bài thuốc, nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp với tình trạng bệnh.

Nguyễn Ngoan/ Báo Tin tức
Hàng loạt ghế đá 'mini' được lắp đặt dưới hàng hoa sữa cổ thụ ở Hà Nội
Hàng loạt ghế đá 'mini' được lắp đặt dưới hàng hoa sữa cổ thụ ở Hà Nội

Trong khi việc vận chuyển hàng hoa sữa cổ thụ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) đang còn gây tranh cãi, thì đầu năm mới 2023, hàng loạt ghế đá "mini" được lắp đặt dưới tán hoa sữa này, làm cho tuyến phố quang đãng, sạch đẹp và hiện đại hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN