Giải 'bài toán' mất cân bằng giới tính khi sinh - Bài cuối: Phát huy vai trò của nam giới

Để thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều câu lạc bộ làm chồng, làm cha trách nhiệm đã được thành lập nhằm phát huy vai trò của nam giới trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Việc này giúp họ thay đổi nhận thức, từ đó không còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, hướng tới nâng cao chất lượng dân số và cuộc sống.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng/TTXVN

Nhân rộng mô hình “Người cha trách nhiệm”

Nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẻ chia công việc trong gia đình của nam giới, nâng cao nhận thức của những người làm cha mẹ, qua đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, từ năm 2019, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp Quỹ dân số Liên hợp quốc triển khai mô hình “Người cha trách nhiệm”.

Mô hình hướng tới xây dựng những hình mẫu nam giới tích cực, có hành vi bình đẳng trong gia đình, biết sẻ chia với công việc nội trợ của phụ nữ, biết chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ vợ con, qua đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Giang là hai địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm mô hình này nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn và nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 4 mô hình “Người cha trách nhiệm” được thành lập ở các xã Sông Xoài, Hắc Dịch (thị xã Phú Mỹ) và Xà Bang, Cù Bị (huyện Châu Đức). Mô hình thu hút sự tham gia của 35 thành viên là cán bộ, hội viên nông dân, trong đó có khoảng 15 cặp vợ chồng, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng. Tại các buổi sinh hoạt, Ban quản lý và các thành viên cùng trao đổi, chia sẻ về vai trò, vị trí, trách nhiệm của các thành viên trong xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, nhất là vai trò, trách nhiệm của người cha, người chồng vào việc chăm sóc vợ con.

Những nội dung sinh hoạt của mô hình đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nam giới, giúp họ biết cách lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng, nỗi niềm của vợ con; cách thức xây dựng gia đình hạnh phúc…

Bà Trương Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng đây là một sân chơi để các hội viên nông dân nam có buổi trao đổi các kiến thức về gia đình, chia sẻ các kinh nghiệm, trách nhiệm. Các hội viên có thể đem những kiến thức ấy về áp dụng tại gia đình; đồng thời tuyên truyền trong bà con, dòng họ về trách nhiệm của một người cha, trách nhiệm của một người công dân đối với xã hội để làm sao xây dựng một gia đình ấm no. Các câu lạc bộ “Người cha trách nhiệm” được thành lập cũng đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, giúp cho địa phương không có bạo lực gia đình, bà Trương Thị Kim Phượng chia sẻ.

Mô hình "Người cha trách nhiệm" đã được triển khai hiệu quả tại 3 địa phương Bắc Giang, Quảng Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong thời gian tới, mô hình tiếp tục được nhân rộng tại các tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng và Lâm Đồng.

Thúc đẩy bình đẳng giới với “Làm cha là thế”

Là một trong hàng trăm nam giới tham gia nhóm “Làm cha là thế” trên mạng xã hội Facebook do Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) điều phối dưới sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, anh Nguyễn Ngọc Thanh (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn được nhiều người đánh giá là người chồng, người cha trách nhiệm trong gia đình. Kết hôn từ năm 2010, anh Thanh và chị Linh có 3 cô con gái. Tuy nhiên chưa bao giờ anh Thanh đặt nặng áp lực lên vợ là phải có được con trai.

Anh Thanh cho biết, bố mẹ anh vẫn hay nói, con trai hay con gái không quan trọng mà quan trọng nhất là làm sao để con cái trưởng thành và có hiếu với bố mẹ. Bản thân anh Thanh cũng hiểu và đồng tình với suy nghĩ đó, vì thế anh luôn cố gắng truyền tải cho các con hiểu để trở thành người con có hiếu.

Tham gia nhóm, anh Nguyễn Ngọc Thanh có thêm góc nhìn khác về giới, về bạo lực giới; học hỏi thêm được nhiều kiến thức về nuôi dạy con, nhất là trong thời buổi công nghệ 4.0, trẻ dễ dàng tiếp xúc với nhiều thông tin tiêu cực trên mạng; xử trí các tình huống trong công việc và cuộc sống để duy trì hạnh phúc gia đình… Thông qua chia sẻ của các thành viên và chứng kiến sự vất vả của mẹ khi nuôi dạy mình và các anh, chị em, anh Thanh hiểu hơn về nỗi vất vả của vợ, từ đó thu xếp thời gian để san sẻ gánh nặng việc nhà với vợ.

Nhóm “Làm cha là thế” được thành lập trong khuôn khổ Dự án Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực, các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của tổ chức xã hội và sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Dự án giúp tạo dựng một không gian an toàn để các ông bố chia sẻ, kể lại câu chuyện của mình đồng thời đưa ra các tình huống giúp các ông bố nhìn nhận lại hành vi của bản thân, về vai trò của các thành viên trong gia đình. Mục tiêu tôn chỉ của nhóm là tôn vinh tình yêu thương có trách nhiệm của người cha và thúc đẩy bình đẳng giới.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Truyền thông Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) cho biết, trong quá trình hoạt động, nhóm có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục. Các ông bố được thảo luận về các vấn đề nuôi dạy con cái; chăm sóc gia đình, vợ con; xử trí mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Định kỳ hàng tuần các ông bố sẽ có những buổi chia sẻ, thảo luận về các vấn đề của gia đình. Không gian thảo luận của nhóm luôn mở rộng theo nhu cầu của các ông bố. Quá trình cùng nhau thảo luận, học hỏi dưới sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lí, giáo dục đã giúp các ông bố có thêm nhiều góc nhìn khác về giới, bạo lực giới và cách nuôi dạy con để tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình từ những điều nhỏ nhất.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, bất bình đẳng giới không chỉ mang lại áp lực cho riêng phụ nữ mà mang lại áp lực cho cả hai phía. Khi chúng ta được mở rộng không gian thảo luận về vấn đề này và nhận được sự tham gia của các ông bố thì vấn đề bất bình đẳng giới sẽ được giảm thiểu.

Minh Huệ (TTXVN)
Giải 'bài toán' mất cân bằng giới tính khi sinh - Bài 2: Cần bền bỉ và đồng bộ
Giải 'bài toán' mất cân bằng giới tính khi sinh - Bài 2: Cần bền bỉ và đồng bộ

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay, phải giải quyết nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN