Như vậy, cùng với đợt phân bổ ngày 14/4 vừa qua, tổng số liều vaccine Moderna phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ là trên 2,3 triệu liều.
Theo quyết định này, Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ 193.800 liều, tiếp đến là Hà Nội với 104.000 liều. Các tỉnh, thành phố khác như Thanh Hóa được phân bổ 51.000 liều, Nghệ An 48.600 liều, Bình Dương 28.200 liều, Đồng Nai 44.400 liều, Bà Rịa - Vũng Tàu 13.600 liều, Quảng Ninh 24.000 liều...
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận vaccine và tổ chức tiêm ngay số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố theo phân vùng quản lý.
Vaccine Moderna phân bổ đợt này rã đông lúc 23h ngày 13/4/2022, tiêm liều lượng 0,25ml mỗi trẻ.
Trước đó, ngày 14/4, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã phân bổ 921.600 liều vaccine Moderna phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi do Chính phủ Úc viện trợ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tính đến chiều 18/4, tổng số liều vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 19.526 liều (mũi 1).
Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, theo thống kê, hiện nay, toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, trong số đó có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành Y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022.
Theo các chuyên gia y tế, với nhóm trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng COVID-19, gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, đánh giá việc ăn, ngủ, sinh hoạt có bất thường hay không, đặc biệt với nhóm 5-6 tuổi. Với các trường hợp lớn hơn, cha mẹ nên lưu ý các bất thường liên quan sức khỏe đường hô hấp.
Với những trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp, nghi ngờ mắc COVID-19 thì không đến điểm tiêm để tránh lây lan mầm bệnh, phụ huynh tạm thời dừng tiêm cho trẻ đến khi trẻ thật sự khỏe mạnh.
Khi tới các điểm tiêm chủng, cha mẹ cần chia sẻ cụ thể với cán bộ y tế khám sàng lọc về tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ (nếu có) để có chỉ định và hướng dẫn cụ thể, cần thiết chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.
Các phụ huynh nên tuân thủ khuyến cáo ở lại điểm tiêm để theo dõi sau 30 phút nhằm xử lý kịp thời tình huống phản ứng phản vệ, đồng thời báo lại cho cán bộ y tế tình trạng của trẻ trước khi về. Khi về cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm.