Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị.
So với cùng kỳ năm 2021 (31.962/5) số mắc tăng 97% lần, số tử vong tăng 24 trường hợp. Tỷ lệ chết/mắc hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%.
Trong những tuần gần đây, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế cho biết, theo dự báo, chu kỳ dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.
“Ngay từ khi có dịch sốt xuất huyết rải rác tại một số địa phương, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường truyền thông, tổ chức phòng, chống dịch tại địa bàn với nhiều biện pháp, trong đó chú ý nhiều biện pháp như phát quang bụi rậm, chú ý nguồn nước sạch.”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Sở Y tế các địa phương chú trong công tác tuyên truyền, có những khẩu hiệu, tờ rơi hướng dẫn cho người dân thực hiện; đồng thời nhấn mạnh tới vai trò thu dung, điều trị và phân độ sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế, chuẩn bị phương tiện, vật tư thuốc men sẵn sàng cấp cứu hồi sức, tránh tình trạng để người bệnh bị sốc do sốt xuất huyết.
“Hiện nay, ngành Y tế vừa phải đáp ứng mục tiêu kép là tiếp tục chống dịch COVID-19, vừa tăng cường đáp ứng đối với sốt xuất huyết, đặc biệt tại địa bàn miền Nam, miền Trung. Vì vậy, việc tập huấn công tác điều trị rất quan trọng để tiếp tục củng cố kiến thức, năng lực cho các tuyến trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Mặc dù các cơ sở y tế đã được tập huấn nhiều lần về thu dung, điều trị sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch chồng dịch, nhân viên y tế chưa kịp hồi sức, các cơ sở y tế không được chủ quan. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao vai trò truyền thông, hướng dẫn người dân nhận biết triệu chứng và điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, hiện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang xem xét phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) xây dựng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho đối tượng phụ nữ mang thai trình báo cáo lãnh đạo Bộ. Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với Cục Quản lý Dược tìm nguồn cung ứng dung dịch cao phân tử cho các cơ sở khám chữa bệnh. "Trong bối cảnh số ca nhiễm có thể tăng cao, chúng ta phải tăng cường công tác điều trị để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết”.
Về chuyên môn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê yêu cầu các cơ sở y tế đặc biệt là y tế tư nhân tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo phân độ tại Cẩm nang điều trị sốt xuất huyết.
“Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn bù dịch theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019, không truyền dịch khi chưa có chỉ định. Tuân thủ chỉ định chuyển từ dung dịch cao phân tử sang dung dịch điện giải khi người bệnh ra sốc theo hướng dẫn. Khi sử dụng dung dịch cao phân tử trên phải theo dõi sát tình trạng đáp ứng điều trị và phát hiện sớm các diễn biến để kịp thời hội chẩn khoa, hội chẩn bệnh viện hoặc hội chẩn tuyến trên”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh lưu ý.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
Bên cạnh đó, cần củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
“Nhóm điều trị sốt xuất huyết bao gồm bác sĩ, điều dưỡng các khoa truyền nhiễm, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu và khoa khám bệnh có kinh nghiệm, kiến thức và năng lực chuyên môn tốt về xử trí các trường hợp sốt xuất huyết do một lãnh đạo bệnh viện trực tiếp phụ trách để thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong xử lý cấp cứu, điều trị và chăm sóc sốt xuất huyết”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm: Chảy máu (Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo); Nôn liên tục; Đau bụng dữ dội; Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; Khó thở cần phải đưa tới cơ sở y tế kịp thời.