Bị suy gan, rối loạn đông máu vì uống thuốc Đông hoặc Tây y kéo dài

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc do sử dụng thuốc Đông y và thuốc Tây kéo dài.

Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân có tiền sử uống thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol 500 mg, 2 viên/ngày, nhưng sử dụng liên tục trong 5 tháng. Sau đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, dễ bầm máu ở da, chảy máu chân răng khi đánh răng.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây chính là tác dụng phụ của Paracetamol khi sử dụng liên tục mỗi ngày dù là liều thấp, không phải là liều độc.

Chú thích ảnh
Sử dụng thuốc Đông y hay Tây y lâu dài đều có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thuốc. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy còn tiếp nhận những ca bị bệnh lý về suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da hay có ca bệnh bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, làm mất đạm qua ruột. Thậm chí, có những trường hợp bị tổn thương nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc; chẳng hạn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim cấp, cơ tim giảm động, suy thận cấp, viêm gan cấp tính, lơ mơ, hôn mê và những tình huống ảnh hưởng quá nặng trên tim, hệ hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Uyên Vy cho biết, những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan đến các vấn đề trên, sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên. Bệnh nhân đi khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân và bệnh cũng không thuyên giảm. Sau khi loại trừ các bệnh lý nội khoa thường gặp, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân những bệnh nhân này đều có sử dụng thuốc Đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ…

"Thuốc Tây y hay thuốc Đông y đều có những độc dược dùng để trị bệnh, khi sử dụng phải đúng liều lượng cho phép, sử dụng trong thời gian rất ngắn và phải theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tùy tiện sử dụng và sử dụng trong thời gian kéo dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng tích tụ dần các chất độc trong mô, cơ quan, làm tổn thương các mô, cơ quan hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc ở mức độ từ trung bình đến nặng. Đó chính là bệnh nhiễm độc do thuốc gây ra", bác sĩ Doãn Uyên Vy cho biết.

Bác sĩ Doàn Uyên Vy khuyến cáo: Khi sử dụng bất cứ loại thuốc gì một cách lâu dài để điều trị bệnh, nếu muốn biết mức độ an toàn của thuốc, biết được liệu mình có khả năng bị nhiễm độc, ngộ độc hay không, bệnh nhân có thể đến bệnh viện để được tư vấn và hướng dẫn.

Đan Phương/Báo Tin tức
Uống phải nguồn nước bị nhiễm độc thuốc diệt cỏ, 78 người nhập viện
Uống phải nguồn nước bị nhiễm độc thuốc diệt cỏ, 78 người nhập viện

Ngày 27/4, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: Bệnh viện vừa tiếp nhận 78 trường hợp nhập viện vì bị ngộ độc. Theo xác định bước đầu, nguyên nhân bị ngộ độc là do người dân đã uống phải nguồn nước bị nhiễm độc thuốc diệt cỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN