11:00 21/11/2011

Y tá, điều dưỡng sẽ sang Nhật làm việc

Y tá, điều dưỡng viên Việt Nam sẽ có cơ hội được sang Nhật Bản làm việc vào năm 2013. Sang Nhật, các y tá và điều dưỡng viên không chỉ làm việc mà còn tham gia các chương trình đào tạo hộ lý, sau đó được thi lấy chứng chỉ quốc gia Nhật Bản.

Y tá, điều dưỡng viên Việt Nam sẽ có cơ hội được sang Nhật Bản làm việc vào năm 2013. Sang Nhật, các y tá và điều dưỡng viên không chỉ làm việc mà còn tham gia các chương trình đào tạo hộ lý, sau đó được thi lấy chứng chỉ quốc gia Nhật Bản. Khi có chứng chỉ, họ sẽ có cơ hội làm việc tại Nhật lâu dài. Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) Lê Văn Thanh (ảnh) đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

´Thưa ông, được biết, tới đây Nhật Bản sẽ tiếp nhận y tá và điều dưỡng viên của Việt Nam sang làm việc. Ông có thể nói rõ hơn cho người lao động về chương trình này?

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Nhật Bản vào cuối tháng 10/2011, Việt Nam và Nhật Bản đã ký văn kiện thỏa thuận về cơ chế đưa y tá, điều dưỡng viên sang Nhật làm việc.

Hiện nay, dân số Nhật Bản đang già đi. Cho nên, nhu cầu tiếp nhận y tá và điều dưỡng của họ rất cao. Đây là lần đầu tiên lao động ngành điều dưỡng, y tá của nước ta được tiếp nhận sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam là quốc gia thứ 3 (sau Inđônêxia và Philíppin) được cử lao động ngành điều dưỡng y tế sang Nhật Bản.

Theo thỏa thuận, cả Việt Nam và Nhật Bản đều thành lập một cơ quan điều phối. Dự kiến, tháng 3/2012 sẽ tuyển chọn, đào tạo ứng viên. Đầu năm 2013 sẽ bắt đầu đưa lao động sang. Chúng ta vẫn đang tiếp tục đàm phán để đưa ra những văn bản quy định thật chi tiết về cơ chế đưa lao động sang.

Lao động Việt Nam đang làm việc trong một nhà máy tại Nhật. Ảnh: CTV


´Mặc dù chưa có cơ chế cụ thể, tuy nhiên, ông có thể cho biết lao động vùng sâu, vùng xa và huyện nghèo liệu có được ưu tiên gì khi tham gia chương trình này?


Đối với lao động ở vùng sâu, vùng xa sẽ có ưu tiên về kinh phí đào tạo, còn đầu ra sau khi đào tạo cũng phải đáp ứng yêu cầu từ phía Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có thỏa thuận giữa hai Chính phủ. Còn cơ chế cụ thể đang chờ Chính phủ phân công đầu mối.

´Mức lương đối với ngành này ở Nhật hiện nay như thế nào, thưa ông?

Mức lương sẽ tuân theo quy định của Nhật Bản và trả tùy từng vùng khác nhau, hiện nay chưa cụ thể. Tuy nhiên, mức thu nhập của lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam, sẽ tương đương với người bản địa, không phân biệt, thấp nhất là 1.000 USD/tháng.

´Nhật Bản được xem là một thị trường khó tính so với nhiều thị trường khác. Vậy theo ông, các ứng viên đang có ý định tham gia chương trình này cần lưu ý những gì?

Trước hết, người lao động cần phải tốt nghiệp các trường đào tạo về y tá, điều dưỡng của Việt Nam, có chứng chỉ theo quy định của Bộ Y tế, có kinh nghiệm làm việc trong ngành ít nhất 2 năm, đặc biệt là phải có trình độ tiếng Nhật nhất định (thường phải đạt trình độ tiếng Nhật cấp 3).

Bên cạnh đó, sang làm việc ở Nhật Bản, người lao động phải hiểu rõ tập quán văn hóa, các quy định về pháp luật của Nhật Bản đối với ngành nghề cụ thể mà mình tham gia. Đối với ngành điều dưỡng, công việc chính thường là chăm sóc những người già, bệnh nhân nên càng đòi hỏi lao động phải có tính cần cù, cẩn thận.

Tất cả người lao động có ý định tham gia chương trình này phải tìm hiểu kỹ thông tin qua liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước gồm Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Tuyệt đối không nghe qua các công ty môi giới.

´Lao động Việt Nam đang được đánh giá như thế nào ở thị trường Nhật và y tá, điều dưỡng viên tham gia chương trình này sẽ có những cơ hội gì?

Hiện nay, có 15 quốc gia cử tu nghiệp sinh sang Nhật. Đứng đầu là Trung Quốc. Xếp thứ hai là Việt Nam. Cho đến thời điểm này, Nhật Bản là một thị trường đầy tiềm năng đối với việc xuất khẩu lao động của nước ta. Số lượng lao động Việt Nam sang Nhật không ngừng tăng. Tính đến hết tháng 10/2011, số lượng đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người Nhật đánh giá rất cao về thái độ làm việc của tu nghiệp sinh Việt Nam. Nhất là sau việc Nhật Bản gánh chịu thảm họa động đất sóng thần, tất cả thực tập sinh của ta đều ở lại Nhật. Người Việt Nam được đánh giá cao về tính cần cù, thông minh. Chủ doanh nghiệp cũng chăm lo tốt cho người lao động, không có sự phân biệt giữa lao động trong và người nước.

Ngoài cơ hội về thu nhập cao, các y tá, điều dưỡng của ta sang Nhật Bản sẽ học được nhiều thứ: Làm việc với công nghệ hiện đại, nâng cao ý thức kỷ luật trong công việc… Nếu sau 3 - 4 năm làm việc, họ tham gia thi và có được chứng chỉ quốc gia về nghề này thì có thể ở lại Nhật làm việc lâu dài. Còn nếu về nước, họ sẽ góp phần cải thiện chất lượng lao động nội địa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Minh (thực hiện)