Trả lại “công viên Tuổi trẻ Thủ đô” về đúng nghĩa của nó

Giờ đây nhiều khu công viên trong thành phố đã bị biến tướng trở thành trung tâm dịch vụ kinh doanh nhằm thu lợi nhuận hơn là phục vụ cộng đồng người lao động, điển hình là Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng Hà Nội.

Ảnh: Lê Phú

Nếu không có chiếc cổng vòm bề thế với hàng chữ: “Công viên Tuổi trẻ Thủ đô”nằm trên đường Võ Thị Sáu, tin chắc rằng nhiều người không thể biết đây là Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, một trong những công viên quy mô vào bậc nhất của Hà Nội. Cũng tại công viên này dư luận người dân đánh giá có thời gian kéo dài lâu nhất về tiến độ thi công. Trải qua gần 5 năm xây dựng, kiến thiết, giờ đây bộ mặt của Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đang bị méo mó, biến tướng hoàn toàn mới lạ. Chúng ta có thể kiểm chứng rất rõ nét: Dọc cổng chính đường Võ Thị Sáu có tới 3 nhà hàng kinh doanh tổ chức cho thuê tiệc cưới nằm trên đất của công viên. Đầu tiên là nhà hàng Queu BecII, đoạn giữa cổng chính vào là nhà hàng Cung Xuân, chiếm khu diện tích lớn nhất đắc địa nhất của công viên, cuối đường Võ Thị Sáu là nhà hàng Vạn Tuế nằm trong tòa nhà thi đấu cũng được dùng làm nơi kinh doanh tổ chức lễ cưới. Một thắc mắc của nhiều người dân, là tại sao công viên lại sử dụng đất công cho một siêu thị Fivi Mart thuê làm nơi kinh doanh trong khu nhà thi đấu? Đấy mới là bề nổi ngoài công viên còn bên trong thì sao? Có rất nhiều bãi trông giữ xe ô tô nằm trong khuôn viên công viên, chiều tối tại những bãi xe này ôtô con ken kín chiếm một diện tích không nhỏ để phục vụ các chủ xe.

Trong khi những hạng mục vui chơi giải trí của thanh thiếu niên còn rất khiêm tốn thì ban lãnh đạo công viên cho phát triển sân quần vợt mọc lên như nấm, có tới gần mười sân quần vợt ngoài trời và trong nhà. Cũng cần nói thêm, quần vợt là môn thể thao nhằm vào những đối tượng có tiền, không dành cho đại bộ phận tầng lớp nhân dân lao động. Sân bóng đá mini cũng được đầu tư hiện đại nhưng không phải của những em thiếu nhi con nhà nghèo, vì được vào bãi này phải trả từ 400.000 – 600.000 đồng/giờ. Chưa hết, trong công viên còn đầu tư một quán BAR với quảng cáo hãng rượu mạnh -một dịch vụ karaoke VIP nổi ngoài hồ. Tóm lại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô giờ đây đang bị già hóa bởi các dịch vụ kinh doanh nhằm mục đích thu lợi hơn là phục vụ những hạng mục vui chơi giải trí lành mạnh cho tầng lớp thanh thiếu niên và đại đa số người lao động thủ đô.

Nguyễn Duy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN