Mẹ ơi, chúng con đã lớn!

Vợ chồng tôi sinh được hai cháu, cháu lớn 18 tuổi, còn cháu bé cũng đã đến tuổi trăng rằm. Nhìn các cháu khôn lớn, ngoan ngoãn, bậc cha mẹ nào mà chẳng cảm thấy toại nguyện. Ấy thế nhưng trong niềm toại nguyện ấy, tôi lại có một cảm nhận rất rõ về sự xa cách của con cái đối với cha mẹ.

Còn nhớ khi chúng còn nhỏ, mỗi buổi sáng thức dậy, chúng thường hỏi tôi với ánh mắt ngây thơ: “Hôm nay bố mẹ có đi làm không?”. Tôi biết trong câu hỏi ấy của chúng ẩn chứa niềm hy vọng người lớn sẽ ở nhà với chúng. Nếu “Bố mẹ phải đi làm”, nét mặt của chúng sẽ buồn tiu nghỉu. Còn đáp lại câu trả lời “Hôm nay là chủ nhật, bố mẹ ở nhà”, chúng nhảy cẫng lên vui mừng. Rồi cứ mỗi chiều tôi đi làm về là hai đứa thi nhau bá vai, bá cổ hít hà cái mùi mồ hôi quen thuộc rồi khen “Sao mẹ thơm thế”…

Ảnh minh họa.

Vậy mà hôm nay, vẫn là những đứa trẻ đó, chỉ khác là nhiều tuổi hơn, nhưng chúng lại chẳng quan tâm đến việc chúng tôi ở nhà hay đi làm, thậm chí là đi công tác dài ngày. Chúng hầu như không có thời gian trò chuyện với bố mẹ. Hết học chính khóa trên lớp rồi lại học thêm, nhưng hễ về đến nhà là lũ trẻ tót lên phòng riêng để chát chít với bạn bè. Trò chuyện với bố mẹ cũng chỉ vài ba câu “xã giao”. Tôi cũng phải nói thêm là các con tôi đều ngoan ngoãn, học giỏi chứ không phải những đứa trẻ cá biệt.

Thực sự tôi có cảm giác hụt hẫng khi bọn trẻ càng lớn càng xa rời vòng tay của bố mẹ. Tôi không muốn bọn trẻ coi ngôi nhà của mình chỉ là cái quán trọ, còn bố mẹ chúng là chủ cái quán trọ ấy.

Nguyễn Ái Liên
(Hà Nội)

Chắc chắn rất nhiều bậc phụ huynh có cảm giác như chị khi con cái dần khôn lớn. Giải thích về hiện tượng tâm lý con cái càng lớn càng xa cha mẹ, các nhà tâm lý học cho rằng, đây là một biểu hiện hết sức bình thường, chứng tỏ con cái đang dần trở thành người lớn. Khi đó, chúng có đời sống nội tâm riêng. Chúng ít khi muốn tâm sự hay trò chuyện với bố mẹ, thầy cô mà thường tìm đến bạn bè hay anh chị lớn hơn một vài tuổi. Bởi vậy mà con cái vui hay buồn, các bậc cha mẹ đều khó nhận biết.

Tuy nhiên, nói như vậy không hẳn là có một bức tường ngăn cách bố mẹ và con cái khi chúng đến tuổi này. Thực tế, có nhiều trường hợp hai bố con hay hai mẹ con thân nhau như hai người bạn. Để làm được điều đó, bố mẹ nên chủ động biến mình thành bạn của con, sẵn sàng chia sẻ tình cảm với con. Đừng nghĩ rằng đó là chuyện nhỏ nhặt bởi hiệu quả mà nó mang lại cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là vô cùng to lớn.

Hiền Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN