Mặt trái của sự ưu ái

Có một thực trạng đáng quan ngại trong các mối quan hệ của xã hội, là sự phân biệt trong ứng xử giữa con người với nhau, hoặc là sự đối xử ưu ái hay đối xử bình thường.


Ví như sự ưu ái dành những phần quà tặng các gia đình chính sách khó khăn dịp Tết cổ truyền của dân tộc; sự ưu ái dành những cặp sách, bút vở cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi; sự ưu ái dành cho những cảnh đời đang khốn đốn vì thiên tai; sự ưu ái dành những tình cảm tốt đẹp cho mỗi tấm gương sáng tiêu biểu trong cộng đồng, sự ưu ái dành cho những nhân tài đất nước… và bao sự ưu ái tương tự như trên, thật đáng trân trọng, nâng niu biết bao!.

Song, vấn đề đáng chú tâm trong xã hội ta hiện nay, là có không ít người cố ý “ban” sự ưu ái ấy cho người không đáng được ưu ái, với ý đồ cơ hội chính trị, trục lợi về kinh tế, hoặc chí ít cũng tạo vai cánh, bè phái... Qua đó, họ mong giành lại sự ưu ái to hơn, tốt hơn, bảo đảm hơn, từ hành động “có ý đồ” của mình.

Hình như ở cấp nào, ngành nào, địa phương nào, đơn vị nào cũng “bị” loại đối tượng đi “cò” sự ưu ái này tung hoành. Ví dụ sự ưu ái theo kiểu xu nịnh của cấp dưới đối với cấp trên; của người đi xin dự án đối với người duyệt dự án, của người đi xin vốn đầu tư đối với người duyệt vốn đầu tư; của người đi xin việc làm đối với người duyệt tuyển dụng lao động; của thí sinh đối với các thành viên của hội đồng chấm thi… đây là nguyên nhân sâu xa của tệ nạn tham nhũng, của việc mất đoàn kết nội bộ, của việc suy giảm uy tín của cán bộ và các cơ quan công quyền.

Chúng ta không quá khắt khe đến mức “lý tưởng hóa” các mối quan hệ xã hội, để rồi khước từ cả những sự ưu ái xuất phát từ tình cảm thân thiện, quý mến, rất vô tư trong sáng, không hề có một sự ràng buộc nào, điều kiện kèm theo nào của người khác dành cho mình. Bởi trên thực tế, nếu được sống trong tình cảm yêu mến chan hòa của mọi người, trong một môi trường văn hóa lành mạnh, ấm áp của đời thường là điều thật diễm phúc cho mỗi người chúng ta.

Mong rằng, những ai đang “bị” nằm trong tầm ngắm của những “cò” ưu ái sẽ cảnh giác hơn, tỉnh táo hơn về sự ưu ái của ai đó dành cho mình, bởi như trên đã cảnh báo, rằng bên cạnh sự ưu ái vô tư trong sáng, thì mặt trái của nó (nếu có kèm theo) thường là những đồ vật đắt tiền, những món quà béo bở có giá trị kinh tế lớn, sẽ là “cái bẫy” sẵn sàng sập xuống chôn lấp sinh mạng chính trị của mỗi người, nhất là những người đang có chức cao, quyền rộng.
Mai Mộng Tưởng
Nỗi buồn hướng nghiệp sau kỳ thi đại học
Nỗi buồn hướng nghiệp sau kỳ thi đại học

Trước mỗi mùa tuyển sinh đại học, hoạt động “tư vấn mùa thi” được tổ chức một cách rầm rộ để học sinh lựa chọn ngành học của mình khi tuyển sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN