Huấn luyện chồng thành “bảo mẫu”

Trong thời buổi giá cả leo thang từng ngày như thế này, những người công nhân như tôi với đồng lương còm cõi cảm thấy rất ngột ngạt.

Quê ở xa, đến Hà Nội mưu sinh, hy vọng kiếm chút tiền gửi về quê phụ giúp bố mẹ nhưng hàng tháng số tiền tôi dành ra để gửi về quê chẳng được là bao. Rồi tôi lập gia đình, rồi bé con ra đời, gánh nặng mưu sinh dường như vẫn trĩu nặng trên đôi vai của tôi.

Vợ chồng tôi làm cùng xí nghiệp nhưng khác ca. Lương của hai vợ chồng chỉ hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Hàng tháng, sau khi trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí hàng ngày cho 3 thành viên trong gia đình một cách rất tằn tiện, vợ chồng tôi chỉ để dành được 1 triệu đồng/tháng. 


Chỉ còn hơn một tháng nữa là tôi phải trở lại công ty làm việc, sau thời gian nghỉ chế độ thai sản. Do không có ông bà nội ngoại trông giúp cháu nhỏ nên việc gửi cháu để đi làm là một vấn đề lớn đối với tôi. Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định sẽ thay vì thuê người giúp việc, chúng tôi sẽ thay phiên nhau trông con (vì chúng tôi làm khác ca) để tiết kiệm tiền. 


Theo tính toán của tôi, nếu chúng tôi thuê người trông bé, tiền công ít ra cũng khoảng 1 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền nuôi ăn hàng ngày. Như vậy, chúng tôi không có đủ tiền!

Việc chăm sóc con cái sẽ gắn kết tình cha con-Ảnh CTV


Lúc đầu, tôi rất yên tâm về sự phân công này, nhưng càng nghĩ, tôi lại thấy lo lắng bởi con còn quá bé (cháu mới được 4 tháng tuổi) mà chồng tôi lại chưa quen với việc chăm sóc con. Tất nhiên, theo tôi đánh giá thì anh ấy cũng không chăm chỉ, sẵn sàng làm việc nhà giúp vợ. 


Chuyện bếp núc không đáng ngại vì trước đây anh ấy thường xuyên phải vào bếp những khi tôi đi làm. Nhưng nay, việc nhà không đơn thuần chỉ là dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn; mà có một việc quan trọng hơn hết thảy: chăm sóc con, trong đó khâu tắm rửa cho con là việc không hề đơn giản, việc cho ăn lại càng vất vả hơn. Thực sự, tôi không tin tưởng lắm vào “tay nghề” của ông bố này.

Làm thế nào để có thể huấn luyện chồng tôi thành một “bảo mẫu” lành nghề trong thời gian chỉ có 2 tháng?

Nguyễn Thị Hương (Hà Nội).

Không chỉ riêng bạn mà rất nhiều bà mẹ trẻ luôn sợ các ông chồng không có “khả năng” chăm sóc con. Thực tế không phải như vậy. Ai cũng phải học cách làm cha, làm mẹ. Bạn cũng vậy thôi. Không phải tự nhiên bạn làm được những công việc của một bà mẹ, và chồng bạn cũng thế. 


Dĩ nhiên, ban đầu anh ấy rất cần sự trợ giúp, sự hướng dẫn từ bạn. Nếu biết cách dành thời gian cho con, chồng bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn và hiểu được khi nào bé cần gì. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy chủ động nhờ anh ấy chăm con và thể hiện rằng, nếu không có anh ấy thì bạn sẽ không biết phải xoay sở với đứa bé như thế nào. Hay nói một cách khác, bạn đừng ôm đồm việc trông và chăm sóc con cái, mà phải coi đó là việc của cả chồng bạn; và đừng sợ anh ấy không biết làm việc này.

Theo tôi, có lẽ bạn không còn nhiều thời gian để suy nghĩ cho việc nên thử “tay nghề” của chồng. Hãy để anh ấy trở thành một người bố thực thụ. Vậy ngay lúc này, bạn hãy chia sẻ cảm giác của mình cũng như những băn khoăn lo lắng với chồng bạn về việc chăm sóc con cái; giao cho anh ấy công việc bế, ru và hướng dẫn anh ấy cách trò chuyện với bé. Một việc quan trọng, thiết thực hơn mà bạn cần làm là dạy anh ấy cách thay tã, tắm, chế biến bữa ăn và cho con ăn.

Có thể công việc này đối với chồng bạn sẽ khó khăn hơn công việc hàng ngày ở xí nghiệp nhưng bạn có thể trợ giúp anh ấy một tay thậm chí cả trong lúc bạn không ở nhà như lên thời gian biểu một ngày, đi chợ, sơ chế các món ăn cho gia đình trước khi bạn đi làm, với những món ăn của con, bạn phải hướng dẫn “bảo mẫu” cụ thể vì bé còn nhỏ, phải ăn các thức ăn mềm, mịn…

Điều sau cùng là bạn không nên nghi ngờ “tài năng” của chồng mình trong việc chăm sóc con trẻ.

Việc chồng bạn dấn thân làm “bảo mẫu” không chỉ giúp gia đình bạn tiết kiệm được một khoản tiền mà nhờ đó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình cũng được gắn bó hơn. Chúc gia đình bé nhỏ của bạn luôn tràn ngập tiếng cười!

Hiền Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN