Hội làng

Bao giờ cũng vậy, cứ sau mấy ngày Tết, khi những cành đào cắm trong lọ lộc bình trên bàn thờ tổ tiên ở mỗi gia đình vẫn còn thắm sắc đượm hương thì làng lại mở hội tưởng nhớ tới công lao vị thành hoàng đã có công lập làng, dựng ấp, cũng như các bậc danh nhân có công với đất nước.

Làng tôi có vị thành hoàng làng tên Nguyễn Hưng, mà theo sử sách chép lại thì ông quê ở Nam Định, đã theo triều đình đi đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau khi giặc tan, ông được phân bổ cai quản một vùng đất nhỏ phía bắc của châu thổ sông Hồng. Cái tên làng Đông được hình thành từ thế kỷ 17, và trải qua mấy trăm năm từ một ấp nhỏ nay đã trở thành một làng quê trù phú rộng lớn với cả mấy ngàn người quần tụ sinh sống. Không riêng gì làng tôi, mà mấy làng xung quanh nằm trong phạm vi vùng đất cai quản khi xưa của ông đều xưng tôn Nguyễn Hưng là thành hoàng làng. Chẳng vậy mà cứ vào ngày mồng 6 tháng Giêng, làm tôi và mấy làng xung quanh lại tưng bừng mở hội để ôn lại truyền thống quá trình xây dựng và giữ làng của vị thành hoàng cũng như các thế hệ người của làng đã khuất.

Lễ hội được khai mở bằng chương trình tế lễ dâng hương, hát múa trước bàn thờ thành hoàng làng trong am nhỏ dưới gốc đa bên sân đình. Dân làng từ trẻ tới già đều tề tựu dự lễ hội, và nhà nào cũng có mâm lễ vật là đầu lợn, gà, mâm xôi, mâm hoa quả... để dâng lên cúng tiến thành hoàng.

Chương trình văn nghệ , cùng rất nhiều các trò chơi dân gian là những hoạt động luôn thu hút được rất nhiều người. Với các cụ già, người lớn tuổi thì mê những chiếu chèo, hát ả đào, hay quây quần quanh các bàn thi đấu cờ tướng có giải thưởng. Lũ trẻ, thanh niên trai tráng thì túm tụm vào sân chơi cờ người, nơi sân khấu có chương trình ca hát do các ca sĩ cây nhà lá vườn trong làng xã tự biểu diễn phục vụ bà con. Những trò chơi dân gian như: kéo co, bịt mắt bắt dê, đua thuyền, bắt vịt dưới ao... không bao giờ thiếu trong bất cứ lễ hội làng của năm nào.

Ngày còn nhỏ, chẳng năm nào tôi không tham gia lễ hội làng. Năm thì trong đội thiếu nhi ca hát. Năm thì nằm trong tốp các cháu đi nâng các tà áo tế lễ dài cho các bà, các cụ. Lớn hơn chút xíu thì lại luôn nằm trong đội cờ người... Nói chung là đến khi làng mở hội thì tất cả các thành viên trong làng, cho dù ở lứa tuổi nào thì cũng đều phải đảm nhận một nhiệm vụ, công việc được phân công để làm sao đấy cho lễ hội được thành công trọn vẹn.

Thích nhất, nhớ nhất ở những mùa lễ hội làng tôi, đó là ai cũng được ăn cỗ thỏa thích, bởi trong 3 ngày hội đó, làng mổ trâu, mổ lợn làm cỗ rất to, rất hoành tráng để đãi cả làng, đãi quan khách ở xa tới dự lễ hội. Cỗ được dọn ra chiếu chải ở sân đình với cả mấy trăm mâm. Nói chung là trong suốt những ngày lễ hội đó các gia đình không phải đỏ lửa nấu nướng gì hết, mà tất tật các thành viên đều ăn cỗ thỏa thích ở hội.

Tôi dám chắc rằng hầu như tất cả người làng đều mong tới ngày lễ hội mở ra, bởi khi đó ai cũng có cơ hội để diện những bộ cánh mới nhất, đẹp nhất. Rồi thì, bất kể người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà đều mặt hoa da phấn, trở nên đẹp đẽ rạng ngời khi được thoải mái trang điểm, hóa trang.

Hội làng là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, nhiều niềm vui và đáng nhớ như vậy nên sẽ là rất thiệt thòi nếu như ai đó, vì một lý do nào đó mà bỏ lỡ. Với riêng tôi thì chưa một lần tôi bỏ hội, mà cũng chưa có ý định bỏ không tham dự lễ hội làng mình bao giờ cả. Chẳng vậy mà dù có bận trăm công nghìn việc, dù có đi đâu, sinh sống nơi nào thì cứ đến ngày khai hội tôi lại trở về làng, về dự hội, để tìm lại vô vàn những kỷ niệm tuổi thơ trong dòng chảy và sự phát triển của làng quê nơi tôi đã sinh ra và lớn lên...
Nguyễn Thị Hải
Hái lộc đầu xuân
Hái lộc đầu xuân

Dường như đã thành thông lệ, vào dịp đầu năm mới, mọi người sau khi cúng kiến trong nhà xong là lại tranh thủ đi chùa. Trước là thắp nhang thành tâm khẩn cầu cho năm mới gia đình vạn sự bình an, sau là hái lộc cầu may…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN