Hà Nội mù mịt khói vì đốt rơm

Năm nào cũng vậy, cứ vào thời gian tháng 6, tháng 7, người đi đường ở những vùng ngoại thành Hà Nội, nhất là vào đầu giờ sáng, cuối giờ chiều đều gặp phải cảnh “hứng” khói, làm hạn chế tầm nhìn, không thấy đường, cay mắt và khó thở.

“Dính” khói nặng nhất là khu vực Mỹ Đình, đường 32, trục giao thông Quốc lộ 21B, nối liền Hà Nội với các huyện ngoại thành thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Nhiều người dân sinh sống ở những khu vực trong thành phố còn có thể cảm nhận rõ rệt mùi khét và không khí ngột ngạt.

Nông dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Liên quan đến vấn đề này, thành phố đã mời cả các nhà khoa học, các chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân và tư vấn các giải pháp xử lý. Một kết quả chung được đưa ra trong việc xác minh nguồn gốc của những cuộn khói khổng lồ này chính là nạn đốt rơm rạ gây khói ở các huyện ngoại thành ven đô.

Việc đốt rơm rạ đã biến cả khu vực ngoại thành Hà Nội mù mịt như có sương mù. Nhiều quãng đường người tham gia giao thông phải bật đèn đề phòng tai nạn. Nạn đốt rơm còn mang khói và bụi bao trùm Thủ đô Hà Nội trong vài ngày, gây ra hiện tượng khói bụi mù, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người dân nội thành.

Không chỉ cản trở về tầm nhìn, gây hại cho môi trường, nạn đốt rơm, rạ trên các tuyến đường giao thông còn khiến diện tích mặt đường bị thu hẹp, khói che kín tầm nhìn của người tham gia giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn thường trực.

Khói bụi mù mịt do nông dân đốt rơm rạ tại Tây Tựu, huyện Từ Liêm gây ảnh hưởng đến giao thông và sức khỏe người dân. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Qua tìm hiểu, được biết, việc đốt rơm ngay tại ruộng giúp bà con tiết kiệm chi phí và công sức vận chuyển, lại làm màu cho đất. Một số địa phương được coi là trung tâm của việc đốt rơm bừa bãi, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường là: khu vực xã Dân Hòa, xã Bình Minh thuộc huyện Thanh Oai, quốc lộ 32 đoạn qua xã Phụng Thượng, Đại Đồng, thuộc huyện Phúc Thọ và Thạch Thất...

Người dân chất rơm thành từng đống lớn để đợi đốt. Bà con thường đốt tập trung vào buổi chiều và tối, sau khi kết thúc ngày làm việc. Những đống rơm khi cháy, khói đen bốc lên mù mịt, gây ô nhiễm cho môi trường khu vực xung quanh.

Trong khi chưa có những giải pháp cụ thể, ngăn chặn nạn đốt rơm, để tự bảo vệ mình, người tham gia giao thông trên các tuyến đường ở Hà Nội phải chủ động có biện pháp ngăn ngừa khói bay vào mắt, mũi; đồng thời làm chủ tốc độ khi điều khiển phương tiện giao thông và cảnh giác cao với nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do mất tầm nhìn.

Minh Nghĩa
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN