“Hạ hỏa” cho vợ

Vợ tôi trước đây vốn là người có tính tình dịu dàng, ăn nói nhẹ nhàng; thế mà sau 4 năm chung sống, giờ đây cô ấy đã biến thành một người khác, lúc nào cũng cáu bẳn và luôn quát tháo chồng con.

Cháu lớn mới chưa đầy 3 tuổi, vợ tôi lại sinh thêm đứa thứ hai. Tôi không muốn sinh dày như vậy vì thương cô ấy vất vả và cũng muốn chăm sóc đứa đầu được chu đáo. Song cô ấy lý sự: Dành 5 năm cho việc nuôi con, thời gian còn lại cô ấy còn phấn đấu cho sự nghiệp. Vợ đã quyết, đố dám ông chồng nào cãi lại? Tôi cũng vậy thôi, đành phải nghe theo ý của vợ.

Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, vợ tôi trở lại công sở. Sau vài ngày “cơm lành canh ngọt” là đến giai đoạn “nhà là chiến trường”, còn vợ tôi thì trở thành “bà la sát”.

Có thêm đứa con thứ hai, tính khí vợ tôi thay đổi quá nhiều. Trước đây, tôi còn nghe thấy những lời nói dịu dàng của cô ấy với bọn nhỏ, nhưng nay thì… hiếm lắm, mà thay vào đó là những tiếng ca cẩm “Ối giời ơi là giời, sao lại phá phách thế kia”, “Tôi chết mất”, “Có để cho tôi yên không”. Tôi đoán, chắc hôm đó ở công sở có chuyện; nhưng chẳng lẽ hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác, công sở cô ấy đều có chuyện bực mình sao?


Với bà giúp việc, phương châm đối xử của tôi là “nâng niu, chiều chuộng” vì nhỡ làm họ không vừa ý họ bỏ đi thì chỉ có nước nghỉ làm ở nhà trông con. Ấy thế mà đôi khi vị “thượng đế” này cũng bị vợ tôi “quạt” cho tả tơi, rằng: “Bác luộc su su cho người móm ăn à? Nói bao nhiêu lần rồi mà bác không chịu rút kinh nghiệm là sao?” (khi su su có hơi mềm một chút), “Thịt bò xào sao vừa dai, vừa mặn. Ăn mày cũng chẳng thèm ăn!”… Có hôm bác giúp việc lỡ tay ngâm chung chiếc áo đắt tiền màu trắng của cô ấy (do cô em gái đi Thái Lan mua tặng) với chiếc quần tối màu. Kết quả, chiếc áo trắng bị biến thành màu cháo lòng nham nhở. Bác giúp việc sợ quá, nói là sẽ bồi thường tiền nhưng cô ấy nhất định không nhận, mà bắt bác tìm đúng một chiếc như vậy để đền… Sau sự kiện ấy, bác giúp việc bị rầy la đến 3 ngày, bọn trẻ cũng bị vạ lây…

Làm thế nào để “hạ nhiệt” những “cơn hỏa” của vợ tôi?

Lê Hải Bình (Hà Nội).

Bất cứ sự nóng nảy, giận dữ nào cũng có nguyên cớ. Trong trường hợp của vợ bạn, có thể là do việc chăm sóc con cái quá vất vả và bọn trẻ quá nghịch ngợm chăng?

Nhưng hãy phân tích kỹ hơn, không phải lúc nào cái nghịch ngợm của con trẻ cũng làm cô ấy nổi cáu. Có thể cô ấy còn đang gặp một khúc mắc nào đó trong công việc. Anh chính là người cần phải tìm ra nguyên nhân thực sự khiến cô ấy nổi cáu. Bằng cách nào ư? Công việc - anh hãy biết dừng đúng lúc; bạn bè và những cuộc nhậu- xin tạm xa. Hãy xắn tay vào giúp cô ấy việc nhà, nhất là việc chăm sóc bọn trẻ.

Theo quan niệm của nhiều người, những việc lớn do đàn ông gánh vác; còn những công việc lặt vặt như dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, chăm sóc con cái… đều thuộc về người phụ nữ. Nhưng thực tế, trong đời sống hiện đại, người phụ nữ cũng phải làm việc cơ quan như nam giới, về nhà họ lại phải đảm đương việc nhà; trong khi đó, các ông chồng tự cho mình cái quyền được chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe, xem ti vi, đọc báo để biết thông tin, hay bù khú bia bọt với bạn bè.

Tính một cách cơ học thì rõ ràng phụ nữ vất vả hơn nam giới rất nhiều. Nếu anh là một trong số những ông chồng kể trên thì việc vợ anh nổi cáu cũng chẳng có gì bất thường. Muốn “bà la sát” trở lại là cô vợ dịu dàng như ngày xưa, anh hãy thay đổi mình trước đã.

Chúc anh sớm hóa giải được những cơn thịnh nộ của chị nhà!

Hiền Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN