Đọc 'Cõi bình yên': Lời xin lỗi muộn màng

Thơ: Vũ Mai Phong.


Nhà xuất bản Văn học.

Đọc thơ Vũ Mai Phong, tự nhiên thấy mình được chìm đắm vào một không gian quê làng đồng bằng châu thổ Bắc đã xa. Tự nhiên thấy mình cũ đi một cách dễ chịu. Thơ Vũ Mai Phong quả đúng là một “lời xin lỗi muộn màng” dành cho xứ Sơn Nam Hạ thân thuộc mà bấy lâu ly hương mưu sinh, giờ mới có dịp được bày tỏ.


Đấy là một quê làng có “dáng mẹ mỏng gầy áo vá”, có dáng cha “người thương binh mảnh dẻ”, tràn ngập ký ức thuở thiếu thời. Đấy là một không gian nhấp nhô những đụn rạ, những giỏ tôm cá, những cánh đồng màu khoai, lạc và cả những ngọn gió từ “chiếc quạt mo nhè nhẹ” trong “đêm tháng bảy đầy sao”. Trong trẻo quá những “cánh đồng làng đang mùa đổ ải/Đàn cò trắng bay theo đầu máy kéo”, những gương mặt lấm nông dân, những “cô gái trẻ xà cạp nâu nón trắng”. Cứ thế, thơ Vũ Mai Phong “tả mà không tả”, “ca mà không ca”. Ở giữa những con chữ cứ mờ mờ một huyền diệu của lòng trắc ẩn, ưu tư. Thời thơ mới, người thưởng thức đã từng uống ngọt ngào những dòng thơ nông thôn của Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ. Nay đọc Vũ Mai Phong, dường như ta gặp lại ngọt ngào ấy, một hương vị ngát thơm của ngày tết quê làng từng thấy ở Đoàn Văn Cừ: “Trời lạnh mưa xuân cũng giở trò/Mấy bà hàng cá đứng co ro/Đứa bé lon ton đòi áo mới/Ông cụ hom hem kéo thuốc lào...”.


Thơ Vũ Mai Phong rất giàu chất nhạc, đọc lên như âm hưởng của những giai điệu mượt mà, lãng mạn. Từ tình quê da diết đến tình em tha thiết là một bước chuyển không dấu vết trong dòng chảy tự nhiên của thơ Vũ Mai Phong: “Hà Nội cái gì cũng nhớ/Bình yên từng con phố nhỏ/Sông Hồng thì thầm hơi thở/Em về bên những khát khao”.


Tình em trong thơ Vũ Mai Phong cũng nhiều cung bậc. Khi thì là chút ghen như thời tiết: “Giữa xuân trời nổi cơn ghen/Gió xoay tạt ngược mưa hèn tạt ngang” và hình ảnh “Anh nhặt nhành gói ghém cả mùa xuân” nghe thật nuối tiếc về hương bưởi xưa vì “Em xa quê hương theo về với phố”. Khi thì là một hồi ức tuổi mười lăm: “Em bỏ trường làng, đi lên phố”. Khi lại là một con đường dài tít tắp mà “tiếng thở dài hay tiếng gọi mùa sang”. Khi lại là mùa thu bất tận của đợi chờ xao xuyến: “Ta vẫn chờ em suốt mùa cúc dại”… Có một điều rất đặc biệt, thơ Vũ Mai Phong là những câu chuyện có thật trong cuộc đời đã được chép lại bằng cảm xúc của chính nhà thơ.


Giữa thế kỷ mới ào ạt những trải nghiệm, những kiếm tìm, những cách tân, những hậu hiện đại muốn hù dọa tâm hồn. Vũ Mai Phong lại tìm cho mình một “cõi bình yên” thân thuộc để được thở dài một “lời xin lỗi muộn màng” với quê hương với tình yêu. Tiếng thở dài muôn thuở không hào nhoáng nhưng thật lòng, mãi mãi chứa đựng những cảm xúc nguyên thủy. Đó chính là nghệ thuật đích thực không cần sơn phết, không cần tráng bạc lấp lánh. Nó cứ thế xâm chiếm cõi lòng ta, khiến ta khôn nguôi lay động.



Nguyễn Thụy Kha

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN