Cuối Chạp Tết xưa

Bắt đầu rục rịch từ 20 tháng chạp, nhưng mãi đến ngày 26, 27 không khí Tết mới thực sự trở nên nao nức ở mỗi gia đình nơi làng xóm thôn quê.

Buổi sáng, mẹ đi chợ từ lúc tinh mơ, nhanh chóng về còn ra đồng cấy lúa. Mẹ mua về măng khô và những bó dong xanh. Măng khô cho vào nồi đổ nước vo gạo ngâm. Mẹ bảo măng khô ngâm nước gạo chóng mềm và ngon. Bố xắn cao tay áo, kéo lên từng gầu nước giếng thơi đổ vào cho đầy, ngập những tập lá dong.

Sáng sớm 29 Tết, hai anh em tôi ngồi lật từng tấm lá dong, dùng khăn lau rửa nhẹ nhàng. Bố bảo lá dong rửa không thật sạch, bánh chưng sẽ chóng thiu. Tiếp theo chúng tôi giúp bố đánh rửa xoong nồi trắng bóng như mới. Vui đấy nhưng mệt ơi là mệt. Những ngón tay ngâm nước nhăn nheo, lạnh đơ.

Năm nào cũng thế, xóm tôi có lệ luộc bánh chưng, vài ba nhà một nồi. Bởi lẽ không phải nhà nào cũng có điều kiện gói nhiều. Vả nữa, cả xóm chỉ có vài cái nồi to. Cái nhất hạng là nồi quân dụng 100 lít của nhà bác Thân, trước làm cấp dưỡng ở nhà máy. Về mất sức, bác được mua chiếc nồi thanh lý, một quai đã gẫy. Nhà tôi luộc bánh chưng chung với nhà chú Hậu và ông Đồng. Bố tôi khéo tay, chẳng cần khuôn mà gói bánh chưng cứ vuông vức, đều chằn chặn. Anh em tôi lại nhanh nhảu để bố sai vặt, nên nhà tôi được tín nhiệm gói luộc nồi bánh chưng cho cả ba nhà, từ A đến Z. Cái nồi nhà ông Đồng ước chừng vừa độ 40 chiếc, nhưng chưa năm nào luộc tới số ấy, vì vợ chồng chú Hậu muộn con nên chỉ góp 5 chiếc. Bánh chưng buộc kỹ, vớt ra nén chặt mới ngon.

Chiều 29 Tết, hai anh em tôi theo bố cuốc bộ đi chợ huyện. Chợ cách nhà dăm cây số nhưng ba bố con đi vèo một cái đã đến nơi. Bởi trong thâm tâm ai cũng náo nức. Dạo ấy tôi chưa hề được nhìn thấy bích đào, nghe đâu ở mãi trên chợ thị xã mới có, mà chỉ gia đình có máu mặt mới mua được. Anh trai tôi thỉnh thoảng viêm họng nên được bố ưng thuận cho mua cây quất, để hết Tết mẹ ngâm quả, chắt nước uống dần. Tôi mê mải bên chậu cúc đại đóa bông to bằng miệng bát ăn cơm, cánh hoa loăn xoăn rực màu vàng của nắng. Bố thì tẩn mẩn trước lều của cụ đồ nho hói trán viết câu đối, xuýt xoa chờ đợi từng nét chữ mực tàu đen nhánh ướt trên trang giấy đỏ thắm.

Ngày 30 Tết bao giờ cũng là ngày bận rộn và vui nhất. Trong nhà, ngoài sân được quét dọn sạch sẽ. Bàn thờ, bàn ghế được lau chùi sạch sẽ. Bố trịnh trọng xếp hai chồng bánh chưng thơm hương thoang thoảng. Hai chiếc bánh chưng nho nhỏ xinh xinh được đánh dấu bằng lạt đỏ, mẹ để dành riêng cho anh em tôi, để trong hòm thóc đậy nắp kín trong buồng, đề phòng chuột đục khoét. Góc sân đằng kia, chú Hậu giúp bố nhóm lò, cái lò đất mới đắp hôm trước để đặt nồi nước đun sôi làm lông lợn. Cũng mấy nhà, chung nhau mổ một con lợn to đã được vỗ béo từ mấy tháng trước. Cái quạt điện con cóc cũ kỹ thổi bếp chạy sòng sọc, củi gốc tre khô bén lửa, kêu lách tách. Bác Bốn, bác hàng xóm miệng ăn trầu môi đỏ tươi, sang hỏi mượn mẹ tôi cối chày giã đỗ. Hai bà chụm đầu nói bí quyết nấu chè kho, sao cho ngọt đậm và thơm lâu. Từ ngoài cổng, thím Hậu đi vào, nói: Các bác có biết chiều nay gà xuống giá, có đi mua không kẻo mùng 3 đắt lên, lấy đâu làm lễ hóa vàng? Mẹ và thím Hậu te tẩy đi chợ.

Năm nào cũng thế, trừ vại dưa cà nén từ nửa tháng trước, còn thực phẩm mẹ mua cầm chừng. Ăn Tết còn nghĩ đến ra giêng. Vụ lúa vừa rồi được mùa, xem chừng mẹ xởi lởi hơn mọi năm, nhưng chi tiêu vẫn không vung tay quá trán. Trong nhà, bố đang bày biện bàn thờ. Mâm ngũ quả lấp ló màu xanh của quả chuối, màu vàng của bưởi, quất và đỏ của ớt tươi.

Anh em tôi vừa tắm xong, lần tắm cuối cùng của năm cũ, đầu tóc thơm hương nước lá mùi. Tôi mang quần áo mới ra sân phơi trong gió khô hanh, để sớm mai diện Tết. Bố bảo năm nay không đứa nào được tuổi xông nhà, lúc Giao thừa và sáng sớm mùng 1, chớ sang nhà hàng xóm…

Quỳnh Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN