Chữ viết thời @

Ngày nay, trong thời đại @, thời đại của khoa học công nghệ, chiếc máy vi tính trở thành một công cụ chủ yếu phục vụ đắc lực cho con người trong mọi công việc, trong học tập, giao tiếp, trong soạn thảo văn bản… Đơn giản như việc viết thư chỉ cần gõ lên bàn phím, một cái nhấp chuột là những bức thư được gửi đi trong tích tắc, đâu cần ngồi nắn nót từng nét chữ và mất công ra ngoài bưu điện để gửi thư!


Là một giáo viên tiểu học, tôi đã nhiều lần trăn trở về điều này. Nhìn những trang vở học trò, chữ viết ngày càng nguệch ngoạc, trình bày cầu thả, nhiều khi không khỏi chạnh lòng.


Số các em học sinh viết chữ đẹp, thậm chí chỉ cần sáng sủa, dễ nhìn, dễ đọc thôi cũng không có nhiều, nhất là đối tượng học sinh THPT mà tôi được tiếp xúc. Hình như mọi người ngày càng không để ý mấy đến việc luyện chữ, nhất là với học sinh cấp THCS, THPT.


Ở cấp tiểu học, hầu hết các thầy cô dạy đều rất khắt khe trong việc gò cho học sinh viết đúng quy tắc. Phụ huynh có con học vỡ lòng sẵn sàng chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm gia sư rèn chữ. Bên cạnh đó còn tổ chức những cuộc thi “vở sạch, chữ đẹp”, nhưng lên cấp học cao hơn thì điều này hầu như không được để ý đến.


Thực tế, trẻ em bắt đầu đến trường đều được luyện cách ngồi, cách cầm bút, cách viết từng nét theo đúng quy tắc chính tả. Nhưng sau một thời gian, nhất là lên cấp học cao hơn thì chữ của các em ngày càng xấu đi. Vậy nguyên nhân do đâu và quan niệm “rèn chữ - rèn người” liệu có còn trong thời đại @?


Có nhiều nguyên nhân khiến cho chữ viết của học sinh ngày càng xấu đi. Có thể do các môn học trong nhà trường quá tải, thầy cô phải cung cấp kiến thức cơ bản, rồi còn nâng cao, mở rộng, rèn kỹ năng… phải chạy hết tốc lực mới đủ thời gian. Còn học sinh thì vừa nghe giảng, vừa ghi bài, phải viết nhanh, viết tắt, viết ẩu cho kịp, thậm chí phải nghĩ ra đủ thứ ký hiệu để viết tắt cho nhanh (có những ký hiệu viết xong nhìn lại… không dịch ra được là mình đã viết gì!!!).


Có lần, tôi được xem vở viết của một học sinh THPT, quá ngỡ ngàng khi chữ viết quá cẩu thả, viết tắt quá nhiều, tôi yêu cầu học sinh dịch và đọc cho tôi nghe. Thật bi hài, em đó đã không thể đáp ứng được yêu cầu giản đơn đó.


Mặt khác, các thầy cô giáo cấp THPT hầu như chỉ đánh giá kiến thức, việc ghi bài, làm bài tập ở nhà và trên lớp… chứ ít đánh giá chữ viết của học sinh, nếu có chỉ nhắc nhở mà thôi. Ngoài ra, thói quen học tập và làm việc trên máy tính cũng khiến cho người ta ngại viết hơn. Nhiều người còn lý luận, thời đại @ chỉ cần biết chữ để ký một cái tên tử tế là đủ, cần gì phân biệt chữ xấu, chữ đẹp.


Vậy, có cần thiết phải “luyện chữ đẹp” trong thời đại ngày nay không? Tôi nghĩ là cần thiết, rất cần thiết. Chữ viết, không đơn giản chỉ là một ký hiệu ngôn ngữ, mà còn thể hiện phần nào phẩm cách con người. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Chữ viết cũng là biểu hiện của nết người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy và bạn đọc bài vở của mình...”.


Luyện chữ viết đẹp cho học sinh, nhắc nhở học sinh có ý thức trong viết chữ và trình bày chính là góp phần rèn luyện cho học sinh những phẩm chất đạo đức tốt như: Tính kiên nhẫn, cẩn thận, chu đáo, tinh thần kỷ luật và khiếu thẩm mỹ… hình thành nên nhân cách tốt tạo nên thành công trên đường đời sau này.



Lê Thị Thúy Mong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN