Chạm vào "trái đắng"

Gần 20 năm theo nghệ thuật không chút mệt mỏi, có thực con đường Ngọc Xuân đi toàn trải hoa hồng? Không hẳn thế, trái lại có nhiều trái đắng mà cô gái nhỏ nhắn với lòng yêu nghề mãnh liệt này đã dám “chạm” vào để biến nó thành quả ngọt...

Bài học… bẻ chân

Ngọc Xuân tâm sự: “Ngày nhỏ, thấy người ta múa trên truyền hình, trong tôi đã bắt đầu nhen nhóm ước mơ một ngày nào đó, người đang múa trên màn ảnh sẽ là mình”.

Thấy cô bé mặt mũi sáng sủa, thông minh, diễn viên múa Xuân Hồng, hiện giảng dạy tại trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, đã giới thiệu Xuân với thầy Trần Văn Lai để thi vào trường múa TPHCM.

Ngay bài học đầu tiên, cô bé 10 tuổi đã không chịu được cái đau bị bẻ chân, uốn tay, tối về cầm tô cơm không nổi, nên oà khóc: “Thôi, con không tập đâu!”.

Ảnh internet

Vậy mà cái sợ sệt, đau đớn ban đầu đã dần dần nhường chỗ cho niềm đam mê. Xuân kể: “Thời gian đầu, khi tôi mới vào trường múa, cả nhà đều lo. Hết ông bà ngoại, đến ba, rồi mẹ phải thay phiên nhau đưa cô con gái đầu lòng đi học. Vốn bướng bỉnh nên tôi bỏ ngoài tai những lời xì xầm của các bạn trong lớp “Người gì bé teo, múa vậy mà cũng gọi là múa” để kiên trì theo suốt 7 năm học.

7 năm ấy thật là dài, đòi hỏi rất nhiều khả năng thích ứng và chịu đựng. Tôi may mắn được làm học trò của toàn những nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành múa như cô Vũ Minh Nguyệt, Kim Dung, Anh Phương... nên sớm phát huy được tố chất của mình. Năm 17 tuổi, tốt nghiệp trường múa, tôi về cộng tác với Nhà hát giao hưởng vũ kịch TPHCM nhưng thu nhập không đủ sống, tôi đành rời Nhà hát 7 tháng sau đó”.

Đôi giày dính máu

Bạn đồng hành của Xuân là đôi giày. Ngày nào cũng mang giày, ngày nào cũng tập múa, có hôm chân bật máu, hay trật cơ, đau đến phát khóc. Mẹ xót xa: “Con thấy chưa, ai bảo cứ đòi học múa”.

Bà ngoại lấy phèn pha với nước nóng cho cháu gái ngâm chân, rồi khuyên: “Thôi, con bỏ múa đi, ngoại cho tiền học đại học”.

Nhưng một khi đã xem múa như là máu thịt của mình rồi thì làm sao rời bỏ được. Cho đến nay, Xuân vẫn còn giữ đôi giày dính máu năm xưa như một kỷ niệm đẹp, luôn nhắc nhở cô “không có việc gì khó, nếu ta cố gắng”.

Nghề múa muốn trở thành chuyên nghiệp vừa khó học, mà cũng khó mưu sinh, nếu không có lòng yêu nghề sẽ dễ nửa đường gãy gánh. Muốn đi trọn con đường mình đã chọn, Xuân phải loay hoay đủ cách: múa cho nhà hàng, đám tiệc, minh họa cho ca sĩ...

Nếu cát-sê của một ca sĩ có thể lên đến bạc triệu thì thù lao dành cho một diễn viên múa lúc đó chỉ có... 30.000đ/suất diễn.

Vậy mà cầm được món tiền còm kiếm được từ sự lao động nhọc nhằn của mình, Xuân mừng muốn rớt nước mắt. Mang về khoe mẹ, mẹ khuyên nên bỏ ống 20.000đ, xài 10.000đ thôi. Nhờ học được tính cần kiệm của mẹ, ống heo của Xuân ngày càng đầy.

Từ múa solo, cô lập nhóm Tia chớp xanh, cho đến khi được bà bầu Thủy Nguyễn gợi ý lập nhóm múa Bầu trời xanh.

Múa có nhóm, có đàn, được nhiều thuận lợi, màu sắc đa dạng, phong phú hơn. Song, vì thời gian đầu chưa có nhiều show, Xuân phải trăn trở tìm cách động viên anh em đừng vội nản lòng.

Cũng nhờ uy tín sẵn có của cô trong những ngày múa solo nên Bầu trời xanh nhanh chóng chinh phục được niềm tin của các bầu sô và khán giả.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong giới showbiz bao giờ cũng khắc nghiệt. Được lòng bầu sô, thì lại bị một số nhóm múa khác ganh tị, tìm cớ ăn hiếp.

Từ nhỏ bản tính đã thẳng thắn và có chút lì lợm, không muốn để nhóm mình bị lấn lướt mãi. Cô khẳng định với cả nhóm: “Nếu các bạn giỏi thì người ta ắt sẽ mời diễn!”.

Bước ngoặt

Nét đẹp “lạnh” của Xuân đã lọt vào cặp mắt nhà nghề của cascadeur Quốc Thịnh. Cô được anh giới thiệu đóng vai nữ thư ký chảnh chọe trong phim Nắng ở trên đầu của đạo diễn Võ Tấn Bình.

Lần đầu tiên chạm ngõ phim ảnh, Xuân cũng run như ngày nào mới bước vào phòng tập múa. Chỉ một câu thoại “Dạ, thưa sếp, em đi!” mà cô phải quay đến mấy lần mới xong.

Khi phim phát sóng, cả nhà ngồi “canh” đến mỏi mắt mà chỉ thấy “chị cả nhà ta” xuất hiện đúng 5 phân đoạn. Mẹ la: “Sao diễn dở quá vậy con?”.

Xuân không lấy đó làm buồn, những chua cay, đau đớn của nghề múa, cô còn vượt qua được cơ mà!

Sau phim đó, Xuân đã đóng gần 20 phim, trong đó có những vai gây chú ý như cô Tư Xóm Cỏ xinh đẹp và giỏi võ trong “Dưới cờ đại nghĩa”, ca sĩ Tường Vy trong “Cha yêu”, Bảo Hân của “Tình ca phố”...

Cô bộc bạch: “Nghề nào cũng có mặt trái của nó. Để hoàn thành vai diễn, nếu một diễn viên chuyên nghiệp chỉ tốn công sức một thì với dân “nghiệp dư” như Xuân phải chịu cực gấp 10, tập võ, tập nuôi cảm xúc, tập khóc, tập... hôn. Con đường Xuân đi thực sự không bằng phẳng như mọi người nghĩ, cũng bị “ma cũ ăn hiếp ma mới”, bầm dập đủ điều, thậm chí có cả những cú điện thoại gọi đến hăm dọa, mỉa mai”.

Phải tự tạo cho mình bản lĩnh để đối phó mọi thứ, để có thể an tâm phụ lo cho gia đình vì cô là con cả, Xuân đã tập cho mình cái tính bình tĩnh, không nóng nảy như xưa, dù đôi khi cô cảm thấy chạnh lòng, ứa nước mắt trước những sự hiểu lầm không đáng có.

Năm 2011, Xuân sẽ lấy chồng, một người không phải là đạo diễn, không phải là diễn viên điện ảnh, anh ở cách xa Xuân đến... 1/4 vòng Trái đất nhưng họ đã hiểu nhau và chia sẻ buồn vui từ hơn 2 năm qua.

Những chuyện buồn rồi sẽ khép lại, sẽ trôi qua, nắng mai sẽ xua tan mây mù và cô đang đón nhận hạnh phúc.

Một tiết lộ nho nhỏ: “Xuân đang học nhạc ở cô Triệu Yên và có kế hoạch ra mắt album đầu tay. Ngoài tin lên xe hoa, năm nay sẽ càng vui hơn nếu Xuân thực hiện được ước mơ lớn nhất trong đời: Thành lập một trường dạy múa”.
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN