Cân nhắc và quan tâm đến ứng cử viên nữ

Ngày 22/5/2011, những lá phiếu của cử tri cả nước sẽ sáng suốt lựa chọn người đại biểu nhân dân để bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình bầu cử lần này là nâng tỉ lệ đại biểu nữ đạt từ 30% trở lên. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tỉ lệ phụ nữ ra ứng cử vẫn chưa nhiều. Tin Tức Cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Tập huấn cho nữ ứng cử viên HĐND tỉnh Kon Tum.

Có ý kiến cho rằng, hiện vẫn tồn tại một thực trạng là tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo nói chung và đặc biệt là tham gia vào Quốc hội, vẫn chưa thực sự tương xứng với sự đóng góp và nỗ lực của phụ nữ cũng như sự phát triển của lực lượng lao động nữ hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Hãy nói đến thành tựu chúng ta đạt được với tỉ lệ nữ chiếm trên 25% trong Quốc hội. Việt Nam cũng là nước có nhiều đại biểu nữ nhất trong khu vực.

Tất nhiên, so sánh với thế giới thì tỉ lệ này vẫn còn thấp. Chúng ta biết rằng, các nước Bắc Âu phụ nữ chiếm gần 50% trong Quốc hội, thậm chí có những nước ở châu Phi, phụ nữ chiếm 70% trong Quốc hội. Theo tôi nghĩ, việc chúng ta hài lòng với tỷ lệ nữ hiện nay là không nên. Chúng ta cần phải tiếp tục tạo bình đẳng cho nữ giới, bằng cách phải tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ, tạo cơ hội bình đẳng trong kinh doanh, trong chính trị đối với phái nữ.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong đời sống chính trị nói riêng và trong xã hội nói chung, thưa ông?

Vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị là rất quan trọng và không thể thiếu. Lý do thứ nhất, hơn nửa dân tộc ta là phụ nữ, đó cũng là một nửa nguồn nhân lực của đất nước, một nguồn lực hết sức to lớn đối với việc phát triển. Hiện nay nữ chủ doanh nghiệp rất nhiều và rất nhiều người trong số họ đã rất thành đạt. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động kinh tế tương đương với nam: Nam là 85%, nữ 83%. Họ chính là những người thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta phát triển.

Lý do thứ hai, chúng ta đang phấn đấu bình đẳng giới, theo tôi bình đẳng giới quan trọng nhất là trong đời sống chính trị, cái đó nó sẽ tạo ra sự bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực khác, bởi vì chính trị quyết định phân bổ nguồn lực, quyết định cơ hội, quyết định rất nhiều thứ.

Lý do thứ ba, có những phẩm chất chỉ có ở phụ nữ mà không có ở nam giới, đó là sự thấu hiểu. Cuộc sống của chúng ta ngày càng phong phú. Những ngóc ngách của đời sống tinh thần, đời sống vật chất, với sự nhạy cảm của mình, phụ nữ cảm nhận được, và nếu người làm chính trị ở cấp quốc gia cảm nhận được điều đó, người dân sẽ được nhờ, sự cảm nhận tinh tế nhu cầu cuộc sống của người dân, cái đó phụ nữ họ hơn hẳn. Chúng ta phải hướng tới phụ nữ phải tham gia được, bình đẳng như nam giới.

Thưa ông, với tư cách là Ủy viên Ủy ban tuyên truyền bầu cử, ông có thể đánh giá như thế nào về tỷ lệ nữ tham gia ứng cử?

Về tỷ lệ, thực chất tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội đến thời điểm này là 31,44%, so với kỳ trước là 33,29%, cuối cùng bầu lại còn 25%. Chúng ta đang phấn đấu, nhưng không biết tỷ lệ nữ trong Quốc hội khóa XIII có được đến 30% không. Theo tôi, cử tri nên cân nhắc và quan tâm hơn đến các ứng cử viên nữ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN