Cẩm nang về 'nhạy cảm giới' cho nhà báo

Một clip quảng cáo ngắn với hình ảnh gia đình nhỏ quây quần hạnh phúc bên mâm cơm, người bố cùng các con thưởng thức món ngon do mẹ nấu; Một tít bài “Khi chồng không là trụ cột gia đình” trên một tờ báo in; Một series ảnh “người đẹp với thể thao” hay “người đẹp bên xe hơi” mà “nhân vật chính” thường là các mỹ nhân trong trang phục dù hấp dẫn nhưng hơi có vẻ “thiếu vải”...


Những hình ảnh, bài viết, câu chữ... ấy, hàng ngày vẫn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhiều đến nỗi hằn trong suy nghĩ của đa số người dân một “chân lý”: Phụ nữ là người có trách nhiệm “giữ lửa” trong gia đình, là người phục vụ chồng con, là hình ảnh “đẹp mắt” như một vật trang trí...


Tuy nhiên, dưới cái nhìn của các chuyên gia về giới, những hình ảnh, bài viết, câu chữ, ý tưởng... như trên thực sự là các “sạn” về bình đẳng giới cần được “nhặt” khỏi các ấn phẩm truyền thông. Tại sao trong các clip quảng cáo về “nội trợ gia đình” ở các nước, hình ảnh “đầu bếp thường là người chồng, mà ở Việt Nam lại nhất thiết phải là người vợ? Tại sao mệnh đề “phụ nữ với thể thao” là phải gắn với cảnh các cô gái mặc bikini? Tại sao đàn ông “cứ nhất thiết” phải là trụ cột gia đình?
Hơn một năm qua, Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới- Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Tổ chức Oxfam đã thực hiện 21 bản tin “nhặt sạn về giới” trên các ấn phẩm báo in, báo viết, truyền hình... của nước ta. Mục tiêu, không gì khác hơn là giúp các nhà báo, các cơ quan báo chí tiếp cận và thực thi quan niệm tiến bộ trong việc nâng cao nhận thức cho công chúng, từng bước đẩy lùi bạo lực gia đình cùng những quan điểm lạc hậu, bất bình đẳng giới.


Nhằm giúp các nhà báo, các cơ quan báo chí và sinh viên báo chí trong việc củng cố kiến thức về giới, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc truyền thông tăng cường bình đẳng giới, một ấn phẩm mang tên: “Truyền thông có nhạy cảm giới- một số gợi ý cho phóng viên và người làm báo” đã được (CSAGA) và Oxfam cho ra mắt, trên cơ sở tổng hợp những biểu hiện về bất bình đẳng giới có thể xảy ra trên báo chí nói chung, từ đó cung cấp các kỹ năng giúp nhà báo tránh được các “sạn giới” trong quá trình tác nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là để các tác phẩm báo chí khi tác động tới nhận thức của công chúng sẽ không tạo nên những ấn tượng sai lầm về giới, từ đó cản trở sự phát triển chung của xã hội.


Cuốn sách dày 132 trang, gồm 9 chuyên đề, đề cập đến một số khía cạnh cơ bản nhất mà những người làm báo thường gặp trong quá trình tác nghiệp. Ở mỗi chuyên đề, nhóm tác giả đã cung cấp nhiều ví dụ cụ thể về các trường hợp có yếu tố nhạy cảm giới, phân tích và đưa ra những lưu ý cho các phóng viên khi thu thập và đưa tin về các lĩnh vực như: các vụ án bạo lực gia đình, góc nhìn về giới trong thể thao, trong xuất khẩu lao động, trong truyền thông về người nổi tiếng, trong quảng cáo....


Hy vọng, cuốn cẩm nang hữu ích này sẽ giúp các nhà báo và cơ quan báo chí góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội bằng những tác phẩm báo chí mang giá trị nhân văn và tuân thủ pháp luật, nhất là khi Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội nước ta thông qua từ tháng 11/2006.


M-H

“Cẩm nang phụ nữ hiện đại “
“Cẩm nang phụ nữ hiện đại “

Như một cuốn sách gối đầu giường, “Cẩm nang phụ nữ hiện đại” sẽ là tư liệu tham khảo hữu ích cho chị em, giúp một nửa của thế giới hoàn thiện bản thân, trở thành người phụ nữ thành đạt và để phái nam hiểu rõ hơn về chính mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN