01:14 20/01/2015

Ý kiến trái chiều về bỏ HĐND cấp phường

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, sáng 20/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Tại phiên làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về 3 nội dung lớn của dự thảo Luật: Về phạm vi điều chỉnh; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến tại phiên làm việc sáng 20/1. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


*Quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục thành lập đơn vị hành chính- kinh tế


Dự thảo Luật do Chính phủ trình không đưa vào phạm vi điều chỉnh quy định về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà để Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định. Qua thảo luận tại kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nên trong Luật tổ chức chính quyền địa phương cần quy định một số nội dung có tính nguyên tắc về vấn đề này.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự thảo luật bổ sung vào dự thảo Luật một chương quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy các quy định về trình tự, thủ tục thành lập thật chặt chẽ để không xảy ra tình trạng thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt tràn lan.

Ủy ban Pháp luật đề xuất Chương quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ xác định tính chất của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này…

Những nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập các đơn vị đó.

*Ý kiến khác nhau về lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên làm việc sáng nay. Qua thảo luận vẫn còn các ý kiến khác nhau.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước và một số đại biểu khác tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật. Theo đó quy định ở địa bàn nông thôn, tổ chức cấp chính quyền (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; ở địa bàn đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) tại thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương; còn tại các phường (thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương) sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


Đại biểu K’sor Phước thẳng thắn cho rằng mô hình tổ chức cũ đã bộc lộ khiếm khuyết, cần thiết phải sửa đổi; nếu vẫn như mô hình cũ thì sẽ tiếp tục trì trệ. Cho rằng đây là thời điểm cần chuyển biến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân, đại biểu đề nghị cần có cái nhìn mới, cách tiếp cận mới, trong đó cần xem xét người ra quyết định cụ thể nào đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ai.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị lựa chọn phương án này và lập luận việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1 thể hiện sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị theo như yêu cầu đã nêu trong Hiến pháp năm 2013.

Phương án này kế thừa những kết quả tích cực trong việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. Việc tổ chức chính quyền 2 cấp ở đô thị sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn, tinh giản về tổ chức bộ máy, song vẫn bảo đảm thực hiện quyền đại diện của Nhân dân.

Thực tế trong lịch sử cũng đã từng có giai đoạn các đô thị ở nước ta không tổ chức các đơn vị hành chính phường (từ 1945-1980); khi đó, thành phố trực thuộc trung ương chia thành các khu phố (tương tự các quận bây giờ), dưới nữa có thể có các tiểu khu, nhưng chỉ thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính tại cấp thành phố và khu phố.

Tuy nhiên luồng quan điểm thứ 2 không tán thành với phương án này. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ quan điểm “ở đâu có chính quyền, ở đó phải có HĐND”. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện và nhiều ý kiến khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


Phương án 2 tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị. Việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 2 thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó.

Tuy nhiên, nếu chấp nhận phương án này thì cần điều chỉnh lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp mới.

Nhiều ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung làm rõ nhưng ưu điểm và nhược điểm cụ thể của từng phương án, qua đó thấy được mặt mạnh của từng phương án để lựa chọn.

*Thể hiện rõ phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương

Qua thảo luận nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn các khái niệm phân cấp, phân quyền và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Qua đó bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước, phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần phân biệt rõ ràng, nếu nhiệm vụ của Trung ương và địa phương cũng giống như nhau sẽ rất khó trong thực hiện. Đại biểu đề nghị phải xác định lại quyền hạn, trách nhiệm của từng địa phương.

Nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương trong các luật chuyên ngành, bám sát Hiến pháp và các văn kiện của Đảng, đặc biệt là các nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ chế đặc thù đối với các thành phố trực thuộc trung ương và một số địa phương để thể hiện rõ hơn trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần tính toán đến nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp , phân quyền khác nhau giữa đô thị và nông thôn; phải nghiên cứu toàn bộ hiệu lực của HĐND từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở, để tiếp tục làm rõ thẩm quyền, hiệu lực và trong trách nhiệm phân công phối hợp kiểm soát quyền lực như thế nào.

Đại biểu cho rằng “phân cấp, phân quyền là ý tưởng tốt, nhưng nếu cơ quan được phân cấp, phân quyền không đủ điều kiện để thực hiện sự phân cấp, phân quyền đó, trình độ chưa đáp ứng được thì chưa phải là tiến bộ”.

Theo Chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động.


Quỳnh Hoa (TTXVN)