08:09 05/08/2011

Ý kiến tâm huyết của các bộ trưởng

Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII đã hăng hái bắt tay vào công việc nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của một số bộ trưởng về lĩnh vực mình phụ trách.

Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII đã hăng hái bắt tay vào công việc nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của một số bộ trưởng về lĩnh vực mình phụ trách.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Phát triển toàn diện hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Hoạt động đối ngoại của nước ta trong nhiệm kỳ mới là triển khai thực hiện đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, đó là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Vừa qua, chúng ta đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước quan trọng. Trong thời gian tới, làm sao đưa được nội hàm của quan hệ chiến lược đó đi vào thực hiện cụ thể; đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ với một số nước lên tầm đối tác chiến lược, mở rộng quan hệ với các nước khác trên thế giới. Không chỉ hội nhập kinh tế quốc tế mà chúng ta đã chuyển sang giai đoạn hội nhập quốc tế. Chúng ta tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm vào việc giải quyết không chỉ những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, mà cả những vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, nhằm gìn giữ môi trường hòa bình để phát triển, đồng thời nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Đường lối đối ngoại của chúng ta là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, do đó không thể chỉ chọn ưu tiên nào, mà phải phát triển toàn diện hoạt động đối ngoại, đó là phát triển quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, khu vực, những nước đối tác quan trọng. Trong giai đoạn mới chúng ta phải chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại là đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có vấn đề bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tăng cường quan hệ với các nước là biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều bất ổn với mức lạm phát cao, chắc chắn việc thực hiện chính sách tài chính công của chúng ta trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo tôi, ngành tài chính cũng có nhiều thuận lợi căn bản. Đó là chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với quan điểm phát triển rất rõ, cũng như những đường hướng rất căn cơ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và trọng điểm là ba khâu đột phá chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra mới đây.

Mục tiêu của công tác tài chính trong thời kỳ tới là tổ chức, động viên một cách hợp lý tất cả các nguồn lực của xã hội cho phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng trưởng và an sinh xã hội. Đặc biệt, phải huy động vốn cho các bước đột phá chiến lược vì chúng ta cần một lượng vốn cực kỳ lớn trong 5 và 10 năm tới. Yêu cầu đặt ra cho ngành tài chính là phải phân bổ rất hợp lý nguồn lực này. Điều quan trọng hơn là phải sử dụng sao cho có hiệu quả nhất nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách tài chính quốc gia trong thời gian tới cũng phải kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu này.

Trong nhiệm kỳ tới, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên tập trung đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nói chung, tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng. Một vấn đề cũng sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự là nghiên cứu để kiểm soát chặt chẽ nợ công trên cơ sở nâng cao hiệu quả của chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách để giảm áp lực vay nợ, quản lý an toàn nợ nước ngoài, nợ quốc gia và nợ chính phủ trong giới hạn cho phép. Dứt khoát không để tín hiệu xấu hoặc khủng hoảng về nợ công xảy ra và đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của ngành tài chính là phối hợp với ngành ngân hàng và các bộ, ngành khác để tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhằm kiềm chế lạm phát theo mức rất khó khăn là 17%, đảm bảo được cân đối kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đồng thời, ngành đang tập trung mọi nỗ lực chuẩn bị cho cân đối ngân sách trong năm 2012. Giai đoạn này, ngành xúc tiến xây dựng khung chính sách và bắt đầu thực hiện quy trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 theo những định hướng lớn. Đó là những vấn đề lớn từ nay đến cuối năm.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng: Tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Nhiệm vụ của ngành GTVT trong thời gian tới là bám sát các nhiệm vụ của Chính phủ và thực hiện bằng được các giải pháp đột phá mà gần nhất là dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam và giải quyết tai nạn giao thông (TNGT). Ngành GTVT có đặc thù riêng bởi muốn đột phá để phát triển thì phải xây dựng mới, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; lấy đó làm động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, vào thời điểm cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết 11, ngành giao thông cũng không phải là ngoại lệ với hàng loạt công trình buộc phải cắt, giảm hoặc hoãn tiến độ, gây ảnh hưởng đến lộ trình phát triển này. Thời gian tới, ngành GTVT sẽ rà soát để lựa chọn, tập trung hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án dở dang, nhất là đối với những dự án cấp bách, đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Hiện đại hóa các kết cấu hạ tầng giao thông là mong muốn của lãnh đạo nhiều địa phương bởi đây cũng là động lực quan trọng, để phát triển, kết nối với các địa bàn khác trên toàn quốc một cách nhanh chóng, thậm chí kết nối các tuyến bay quốc tế một cách thuận tiện. Vấn đề là sân bay đó khi đi vào khai thác có hiệu quả hay không và có ý nghĩa như thế nào trong quy hoạch tổng thể. Đây là nguyện vọng khách quan nên để đánh giá sự phù hợp thì phải xem xét từng dự án cụ thể.

Trong khi vốn đầu tư các loại hình hạ tầng giao thông khác ít tốn kém hơn thì việc xây dựng sân bay tại các địa phương sẽ phải tính trong tổng thể chung. Nếu vừa đầu tư sân bay, vừa làm đường cao tốc thì có khi đi đường bộ cao tốc lại nhanh hơn máy bay, vậy thì hiệu quả cần phải xem xét lại.

Xây dựng đường bộ cao tốc thông qua cơ chế công tư là việc cần thiết và bắt buộc phải làm vì không thể trông chờ mãi vào vốn ngân sách mà nên kêu gọi mọi nguồn lực từ tư nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia đầu tư thì hạ tầng cơ sở quan trọng này mới phát triển nhanh được. Vì vậy rất cần có sự chia sẻ giữa các bên và đề xuất cơ chế hợp lý, cân đối hài hòa lợi ích... để báo cáo lên cơ quan thẩm quyền quyết định. Có như vậy mới hấp dẫn và thu hút được thêm nhiều nguồn lực cùng tham gia phát triển hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tập trung xây dựng và hiện đại hóa một số cảng biển, đặc biệt là các khu vực miền Bắc, miền Trung và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu. Đặc biệt, lợi thế về biển của Việt Nam rất lớn nên nếu phát triển hệ thống cảng biển sẽ thu hút nguồn hàng của thế giới trung chuyển qua cảng và tạo điều kiện thuận lợi cho chính các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu, cung cấp sản phẩm hàng hóa ra các nước. Trong chỉ đạo, Chính phủ đã đề cập đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn của khu vực.

Muốn phát triển hệ thống cảng biển hiện đại, đồng bộ, Việt Nam sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối giữa các cảng, giữa cảng với những hệ thống giao thông khác như đường sắt, đường bộ... cho phù hợp để khai thác hiệu quả. Vì vậy, phải xem xét để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp trong tổng thể giao thông đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường bộ.

Với đường biển dài hơn 3.000 km, phát triển vận tải biển có lợi thế vừa kinh tế, vừa an toàn. Bức tranh các phương tiện vận tải biển công suất lớn, hiện đại của Việt Nam không chỉ tận dụng triệt để vị trí địa lý thuận lợi mà còn khẳng định chủ quyền biển đảo và đảm bảo an ninh trên biển.

Thanh Vân, Bích Thủy, Thu Hằng (thực hiện)