03:11 14/03/2012

Xyri phản hồi đề xuất của Đặc phái viên Annan

Ngày 13/3, một người phát ngôn của Đặc phái viên Liên hợp quốc-Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan cho biết Tổng thống Xyri Bashar al-Assad đã có phản hồi về các đề xuất của ông Annan nhằm chấm dứt xung đột ở Xyri.

Ngày 13/3, một người phát ngôn của Đặc phái viên Liên hợp quốc-Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan cho biết Tổng thống Xyri Bashar al-Assad đã có phản hồi về các đề xuất của ông Annan nhằm chấm dứt xung đột ở Xyri.

Người phát ngôn Ahmad Fawzi nói: "Xyri đã có phản hồi và phản hồi này đang được xem xét", nhưng không cho biết thêm chi tiết. Trước đó, ông Annan nói rằng ông trông đợi câu trả lời của Xyri trong ngày 13/3 đối với các đề xuất "cụ thể" nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Xyri cũng như bảo đảm cho việc triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo ở các thành phố mà theo LHQ đã có hàng nghìn người thiệt mạng trong năm qua. Dự kiến, ông Annan sẽ ra tuyên bố đáp lại phản hồi của Tổng thống Assad vào ngày 14/3 ở Geneva (Thụy Sĩ).

Cựu Tổng Thư ký LHQ Annan đã không đạt được thỏa thuận nào với chính quyền Xyri trong chuyến thăm Đamát vừa qua. Song tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Annan cho biết đã có "cuộc họp hữu ích" với 6 đại diện của phe đối lập Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) và những người này đã cam kết "hợp tác toàn diện".



Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) về Xyri, ông Kofi Annan (phải), có cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Xyri, ngày 12/3. Ảnh: AFP/TTXVN



Tuy nhiên, nội bộ SNC đang phát sinh những mâu thuẫn nặng nề. Ngày 13/3, ba thành viên nổi bật của SNC đã tuyên bố rút lui, nói rằng họ "từ bỏ nỗ lực" biến nhóm này thành một bên hiệu quả trong cuộc nổi dậy chống chế độ của Tổng thống Assad. Một thành viên SNC giấu tên tiết lộ có tới 80 trong tổng số 270 thành viên của nhóm này đã lên kế hoạch rời bỏ tổ chức và có thể lập một phong trào đối lập mới để tập trung vào việc vũ trang cho các nhóm chống đối ở Xyri chống lại các lực lượng chính phủ. Phương Tây và một số quốc gia Arập đang gia tăng sức ép với SNC, yêu cầu họ đoàn kết và phải thể hiện được vai trò có thể lãnh đạo cuộc biểu tình chống Tổng thống Assad.

Liên quan đến kế hoạch bầu cử Quốc hội vào ngày 7/5 tới ở Xyri mà ông Assad mới công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland coi việc tổ chức bầu cử trong bối cảnh bạo lực tràn lan ở Xyri là "trò cười".

Ít nhất 48 người thiệt mạng do bạo lực ở khắp Xyri riêng trong ngày 13/3. Đáng chú ý là trong những đụng độ mới nhất, 22 binh sỹ chính phủ đã thiệt mạng ở khu vực Daraa ở tỉnh miền Tây Bắc Idlib, một điểm nóng khác về an ninh. Nhật báo "Al-Watan" của Xyri cho biết lực lượng chính phủ đã chiếm lại được những khu vực mà nhóm nổi dậy nắm giữ ở Idlib. Ba ngày trước, lực lượng chính phủ đã mở một chiến dịch lớn bao gồm cả pháo kích vào Idlib.

Tình trạng bạo lực triền miên tại Xyri đã khiến ngày càng nhiều người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa, đặc biệt ở các khu vực thường xảy ra giao tranh. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho rằng đã có khoảng 30.000 người Xyri chạy sang các nước láng giềng và khoảng 200.000 người khác mất nhà cửa. Hãng tin bán chính thức Antolia của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết riêng trong ngày 13/3 đã có gần 500 người tị nạn từ Xyri sang tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những người này có nhiều phụ nữ, trẻ em và thậm chí một số binh sĩ được cho là chạy trốn bạo lực ở tỉnh Idlib. Họ được thu xếp chỗ ở tại các lều trại mà Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Thổ Nhĩ Kỳ dựng ở tỉnh Hatay. Riêng tỉnh này đã đón nhận khoảng 13.000 người Xyri tị nạn.

Cùng ngày 13/3, UNHCR đã bổ nhiệm ông Panos Moumtzis làm điều phối viên đặc biệt về Xyri. Ông Moumtzis dự kiến sẽ gặp đại diện của các cơ quan cứu trợ để nghiên cứu số hàng viện trợ cần thiết.

Trong khi đó, Nga cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn ở Xyri phải là "đồng thời" từ hai phía. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 13/3 nhấn mạnh các lực lượng chính phủ Xyri sẽ không ngừng giao chiến hay rút khỏi các vị trí trừ phi các nhóm nổi dậy cũng ngay lập tức làm như vậy. Quan điểm này một lần nữa cho thấy bất đồng giữa Mátxcơva và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Xyri. Các cường quốc phương Tây trong Hội đồng Bảo an LHQ cho rằng chính quyền của Tổng thống Assad phải thực hiện những bước đầu tiên trong việc chấm dứt bạo lực. Ngược lại, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng yêu cầu như vậy là "hoàn toàn phi thực tế". Theo ông, không nên yêu cầu lực lượng chính phủ Xyri rút khỏi các thành phố và thị trấn, trong khi không yêu cầu điều tương tự với những nhóm vũ trang chống đối.

Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố Mátxcơva không có ý định ngừng hợp tác quân sự với Xyri cho dù đang có những kêu gọi của phương Tây về việc Nga nên ngừng vũ trang cho chính quyền Xyri. Ông Antonov khẳng định Nga sẽ tôn trọng những hợp đồng mua bán vũ khí đã ký trước đây với Xyri và nêu rõ việc Mátxcơva cung cấp vũ khí cho Đamát phù hợp với luật pháp quốc tế và hoàn toàn hợp lệ.

TTXVN/Tin Tức