04:07 18/04/2015

Xuống đường! Sài Gòn!

Một bữa sáng đầu tháng tư, 5 anh em chúng tôi, gồm: Trần Thiêm (phóng viên ảnh), Nguyễn Văn Chức (kỹ thuật điện đài), Đỗ Sĩ Mến, Phạm Trọng Tiệp (báo vụ) và tôi (phóng viên tin), được ban giám đốc triệu tập gấp.

Một bữa sáng đầu tháng tư, 5 anh em chúng tôi, gồm: Trần Thiêm (phóng viên ảnh), Nguyễn Văn Chức (kỹ thuật điện đài), Đỗ Sĩ Mến, Phạm Trọng Tiệp (báo vụ) và tôi (phóng viên tin), được ban giám đốc triệu tập gấp. Tại văn phòng có đủ mặt các vị lãnh đạo cơ quan: Giám đốc Trần Thanh Xuân, Phó giám đốc Đỗ Văn Ba, Bí thư Đảng ủy và Chánh văn phòng.

Nụ cười chiến sĩ giải phóng quân. Ảnh: Tư liệu - TTXVN


Với giọng nghiêm trọng khác thường, Giám đốc Trần Thanh Xuân thông báo ngắn: “Các đồng chí chuẩn bị đi chiến dịch đặc biệt. Tất cả cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giao cho đồng chí Thanh Bền làm tổ trưởng phụ trách chung”. Không ai bảo ai, 5 anh em chúng tôi lòng mừng khấp khởi, muốn la to cho đã, vì ai cũng hiểu “đặc biệt” đây là xuống đường, đúng nguyện vọng ao ước từ lâu; nhưng rồi chỉ dám hát thầm trong bụng: “Đường ra trận là con đường đẹp nhất!”.

Như thói quen tác phong quân sự, mỗi người chúng tôi tự khẩn trương chuẩn bị đầy đủ đồ nghề ngay trong đêm. Sáng sớm hôm sau, ngày 7/4/1975, có xe u oát đưa tận trạm giao liên của đồng chí Năm Đông ở Lò Gò (Tây Ninh), hội quân với đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, có phóng viên đài phát thanh giải phóng, báo giải phóng, điện ảnh giải phóng cùng số cán bộ lãnh đạo, ban, ngành và cán bộ kỹ thuật... đông vui như hội. “Đoàn 14” do đồng chí Tư Sĩ làm trưởng đoàn chỉnh đốn đội ngũ, hành quân từ hướng tây bắc Sài Gòn. Ngày đầu còn trong vùng giải phóng có ô tô nhà binh đưa đến thị trấn Dầu Tiếng - mới giải phóng gần một tháng nay - khí thế lắm; nhân dân hồ hởi tự dựng lại nhà tạm, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh. Riêng hãng cao su Michelin, công nhân bảo vệ nguyên vẹn và hoạt động lại bình thường.

Đến vùng đất thép Củ Chi, “Đoàn 14” chúng tôi nhập vào đại đoàn Trung ương cục, do đồng chí Chín Đào làm Tổng chỉ huy, thay đổi phương thức hành quân: Ngày nghỉ, đêm đi. Đại đoàn được chia ra nhiều cánh, ba lô trên lưng, mang vác lỉnh kỉnh đồ nghề máy móc phục vụ cho công tác “cờ đèn kèn trống” của nghề tuyên huấn. Riêng tổ TTXGP mang nặng nhất là máy ragono quay tay phát điện, như cục sắt nặng 16 kg trên lưng, chưa tính ba lô cá nhân, ruột tượng gạo, súng đạn phải lội qua ruộng đầm sông rạch, lại đi vòng xa để tránh đồn bốt địch và với tư thế sẵn sàng chiến đấu với bọn phục kích, biệt kích địch. Đêm tối xa xa chập chờn đèn dù. Năm anh em cố bám đội hình, giữ cự ly thích hợp để hỗ trợ và thay phiên mang vác san sẻ cho nhau. Tiền ăn được chia đều, mỗi người giữ một phần đề phòng có bị lạc hoặc hy sinh thì sẽ không thiệt hại lớn cho hoạt động của tổ. Tôi còn dặn riêng với anh em, nếu tôi hy sinh, Trần Thiêm thay tôi phụ trách tổ.

Đêm 17/4, đoàn chúng tôi đến xã Bình Mỹ (Củ Chi) cạnh sông Sài Gòn, vành đai kiểm soát gắt gao của địch. Khó nhất là nấu cơm, nấu nước trong hoàn cảnh không có bếp Hoàng Cầm, không có củi khô như ở căn cứ, tuyệt đối giữ ánh lửa ban đêm giữ khói ban ngày. Địch phát hiện là bom, pháo dội đến ngay. Công sự cá nhân đầy nước, mỗi ngày chúng tôi phải nhảy xuống leo lên hàng chục lần khi có bom pháo địch. Nhờ có quần đùi bằng vải nylon dầu nên cũng mau khô. Thỉnh thoảng lúc “ráo” máy bay, tôi cùng các anh Tư Sĩ, Chín Thép, Ba Giám... uống trà bàn luận thời sự, theo dõi tiến độ quân Giải phóng đã đến đâu: Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Xuân Lộc... Rồi ngày 22/4, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay. Thời cơ đã đến!

Đêm 29/4, căn cứ ác ôn Đồng Dù, cánh cửa thép cuối cùng của Sài Gòn, bị quân giải phóng tiêu diệt. Các loại phi pháo của địch điên cuồng bắn phá nát vùng chung quanh, trong đó có điểm đóng quân của chúng tôi. Chúng tôi nhận định: Địch đang giãy chết. Đoàn “xanh lá ngụy trang” tiếp tục qua Hóc Môn, Gò Vấp. Cờ ba que, khẩu hiệu bích chương, ảnh Nguyễn Văn Thiệu nằm la liệt suốt dọc đường. Cửa hàng tiệm quán mở cửa bình thường. Nhân dân mừng vui đón chào đoàn quân chiến thắng chúng tôi. Qua Trung tâm huấn luyện Quang Trung có mấy phát súng tiểu liên lẹt đẹt bắn ra trước khi bọn còn sót rút chạy. Đoàn vẫn đi.

Đi bộ không còn kịp nữa. Chúng tôi nhảy vội lên mấy chiếc xe lam, xe đò của dân đang chờ sẵn. Chủ xe nổ máy vọt nhanh.

Tổ TTXGP được anh Chín Thép dẫn về nhà ở đường Cách Mạng (nay là Nguyễn Văn Trỗi) quận Phú Nhuận, một villa có sân thượng, có nơi bố trí điện đài. Sau giây phút mùng vui vỡ òa với gia đình, anh Chín Thép lái chiếc vespa chở tôi chạy một vòng qua cầu Công Lý, đến đường Trần Hưng Đạo vô Chợ Lớn có đông người Hoa rất vui mừng chào đón chúng tôi (còn mặc nguyên bộ đồ giải phóng) như người thân mới trở về. Xe “bay” lên khu sân bay Tân Sơn Nhất, phía trước có một chiếc xe tăng còn cháy đỏ, thỉnh thoảng nổ tung đạn pháo trong xe. Qua khu dệt Bảy Hiền, một trong hai nơi treo cờ giải phóng sớm nhất ở Sài Gòn. Một nhóm thanh niên nam nữ đang lúi húi vẽ khẩu hiệu: “Chào mừng Quân giải phóng”, “Mừng Sài Gòn giải phóng”. Nhóm khác có mấy cụ già lo tổ chức lễ tang cho người thanh niên Phật tử tên Thành đã dũng cảm treo cờ giải phóng lên nóc nhà cao đã bị địch bắn hy sinh hồi trưa nay 30/4/1975...

Anh Chín Thép chở tôi về nhà, cũng sắp đến phiên làm việc của điện đài. Tôi viết tin nhanh “Sài Gòn sau vài giờ giải phóng”. Vì quá gấp, tôi viết xong trang nào, xé ra đưa điện về Tổng xã do Tổng Giám đốc Đào Tùng trực tiếp biên tập. Trên sân thượng lộng gió mà anh em báo vụ thấm đẫm mồ hôi. Tiếng ma níp giòn tan như muốn thi đua lấn át tiếng ragono quay tay rào rào không dứt. Lòng người rộn ràng. Máy móc điện đài cũng rộn ràng không kém. Xong phiên làm việc, anh em như còn nuối tiếc, dù quá bữa cơm chiều, không ai thiết đến việc ăn uống nghỉ ngơi.

Sáng sớm hôm sau, ông cụ thân sinh của anh Chín Thép lấy xe hơi nhà, đích thân cụ cùng ngồi xe đi với chúng tôi ra chợ Sài Gòn, ra bến cảng Kho 5, vòng ra Bình Tân, Thạnh Mỹ Tây, có nhiều lần bị kẹt xe nhưng vẫn vui vì thấy nhân dân đổ ra đường mừng ngày giải phóng.

Tôi cho phát tiếp bài “Sài Gòn, ngày 1 tháng 5” - báo Nhân Dân có đăng lại với tít “1 tháng 5 ở Sài Gòn”.


Thanh Bền (Cựu P/v TTXGP ở Miền Nam)

Kỳ tới: Những ngày tháng không quên