09:22 25/09/2011

Xung quanh sự “đổi ngôi” có thể diễn ra ở Nga

Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sẽ “đổi ngôi” cho nhau sau cuộc bầu cử ấn định vào ngày 4/3/2012. Đó là thông tin đang thu hút sự quan tâm của chính giới Nga cũng như thế giới trong vài ngày qua.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sẽ “đổi ngôi” cho nhau sau cuộc bầu cử ấn định vào ngày 4/3/2012. Đó là thông tin đang thu hút sự quan tâm của chính giới Nga cũng như thế giới trong vài ngày qua.

Tổng thống Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng Vladimir Putin (phải) tại Mátxcơva. AFP-TTXVN


Ngày 24/9, tại Đại hội thường niên đảng cầm quyền "Nước Nga thống nhất" (UR), Tổng thống Medvedev đã đề nghị đương kim Thủ tướng Putin ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm tới. Ông Medvedev phát biểu với hơn 11.000 đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự Đại hội rằng: "Tôi nghĩ sẽ là đúng đắn nếu Đại hội ủng hộ Chủ tịch Đảng, Vladimir Putin, ứng cử tổng thống".

Cũng tại Đại hội của đảng UR, Chủ tịch đảng UR - Thủ tướng Putin đã đề nghị đương kim Tổng thống Medvedev đứng đầu danh sách 600 ứng cử viên của UR ra tranh cử vào Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VI, nhằm mục đích đưa UR giành thắng lợi tại cuộc bầu cử này.
Trước đề nghị trên của Thủ tướng Putin, Tổng thống Medvedev khẳng định, ông sẵn sàng đứng đầu chính phủ mới được thành lập đầu năm 2012 theo kết quả cuộc bầu cử Đuma Quốc gia Nga với thắng lợi của UR mà ông "không chút nghi ngờ".

Về phần mình, Thủ tướng Putin cũng khẳng định, ông sẵn sàng ra tranh cử tổng thống mới và nếu đắc cử, ông sẽ bổ nhiệm ông Medvedev đứng đầu chính phủ mới. Ông Putin bày tỏ tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Medvedev, chính phủ mới của Nga sẽ hoạt động hiệu quả và gặt hái nhiều thắng lợi. Ông Putin còn tuyên bố trong vòng 5 năm, LB Nga hoàn toàn có khả năng lọt vào top 5 nước phát triển hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Putin bày tỏ tại Đại hội của đảng UR rằng: "Cách đây vài năm, (Tổng thống Dmitry) Medvedev và tôi đã đạt được một thỏa thuận về những việc cần phải làm trong tương lai và ai nên làm gì. Tuy nhiên, cả tôi và Dmitry Anatolyevich Medvedev đều cho rằng điều quan trọng nhất không phải là ai sẽ làm gì, ai sẽ ngồi ở vị trí nào, mà điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ làm mọi việc như thế nào, kết quả đạt được là gì, và người dân Nga sẽ nghĩ gì về điều này".

Về việc ông Putin có khả năng trở lại Điện Kremlin và nắm quyền trong 12 năm tiếp theo, dư luận Nga có ý kiến trái ngược nhau.

Những người có tư tưởng hoài nghi thì cho rằng việc ông Putin trở lại ghế tổng thống sẽ khiến Nga có rất ít khả năng thực hiện những thay đổi cần thiết như cải cách vấn đề tiền trợ cấp và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên (hiện doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm tới 1/2 ngân sách của Nga). Một số người còn lo ngại việc này sẽ kéo theo sự rút vốn khỏi thị trường Nga và xuất hiện dòng người nhập cư.

Trong khi đó, lại có ý kiến lạc quan với sự trở lại Điện Kremlin của ông Putin. Chris Weafer, nhà hoạch định chiến lược kỳ cựu tại Ngân hàng Đầu tư Troika Dialog ở Mátxcơva, cho rằng ông Putin sẽ làm việc cật lực hơn so với hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện nền kinh tế. Chuyên gia này “hy vọng ông Putin sẽ thành lập một nội các ủng hộ kinh tế và ủng hộ cải cách. Tôi cho rằng sẽ không có bất cứ phản ứng nào của thị trường đối với tin ông Putin ra tranh cử tổng thống".

Chính phủ Mỹ cũng ngay lập tức có phản ứng với việc ông Putin có thể lại trở thành tổng thống Nga. Ngày 24/9, Nhà Trắng tuyên bố, chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục "điều chỉnh lại" mối quan hệ với Mátxcơva nếu ông Putin trở lại làm tổng thống Nga.

Thời làm Tổng thống Nga, ông Putin đã có những chỉ trích gay gắt Oasinhtơn và quan hệ song phương có chiều hướng xấu đi trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông. Đến thời Tổng thống Medvedev, quan hệ Nga-Mỹ lại có chiều hướng cải thiện. Tổng thống Medvedev đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới với Mỹ, mở ra các tuyến đường cho Mỹ chuyển hàng tiếp tế sang Ápganixtan và nhất trí thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tổng thống Obama cũng coi việc khôi phục quan hệ với Nga là một ưu tiên.

Còn với việc Tổng thống Medvedev có thể trở thành thủ tướng năm 2012, ngay ngày 25/9, đương kim Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin đã tuyên bố ông sẽ không phục vụ trong chính phủ mới của ông Medvedev. Lý do mà ông Kudrin đưa ra là ông không nhất trí với Tổng thống Medvedev về chính sách kinh tế, đặc biệt là việc người đứng đầu nhà nước Nga hiện nay muốn tăng chi tiêu quân sự - điều mà ông Kudrin cho rằng sẽ đe dọa nền kinh tế Nga.

A.M (Tổng hợp)