12:00 26/12/2011

Xung quanh nguy cơ đảo chính ở Pakixtan

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canađa) ngày 24/12, sự kình địch sâu sắc giữa quân đội và chính phủ dân sự Pakixtan lại nổ ra khi Thủ tướng Yousuf Raza Gilani tuyên bố "đang có những âm mưu nhằm phá hoại chính phủ được bầu và cảnh báo rằng quân đội không thể là một nhà nước trong một nhà nước".

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canađa) ngày 24/12, sự kình địch sâu sắc giữa quân đội và chính phủ dân sự Pakixtan lại nổ ra khi Thủ tướng Yousuf Raza Gilani tuyên bố "đang có những âm mưu nhằm phá hoại chính phủ được bầu và cảnh báo rằng quân đội không thể là một nhà nước trong một nhà nước". Mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược "Stratfor" của Mỹ cho rằng có lẽ đây là những tuyên bố cứng rắn nhất của chính phủ Pakixtan chống lại lực lượng an ninh đầy quyền lực từng trực tiếp cầm quyền 33 năm trong tổng số 64 năm tồn tại của nước này.

Tổng thống Pakixtan Asif Ali Zardari (giữa, trái), Thủ tướng Yousuf Raza Gilani (giữa, phải) chủ trì phiên họp nội các và lãnh đạo các đảng tại Islamabad ngày 23/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, Tướng Ashfaq Parvez Kayani, Tư lệnh quân đội Pakixtan, ngày 23/12 đã tuyên bố, mọi thông tin về việc quân đội có ý định tiếm quyền là "sai lạc", đồng thời khẳng định quân đội sẽ tiếp tục hỗ trợ dân chủ.

Tin đồn đảo chính đã dai dẳng tại Pakixtan trong nhiều tháng qua, thậm chí từ trước khi chính phủ của Tổng thống Asif Ali Zardari yêu cầu Mỹ ngăn chặn một cuộc đảo chính quân sự ngay sau cuộc tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi tháng 5. Tranh cãi lại nổi lên hồi tháng 10 khi chủ doanh nghiệp Mỹ gốc Pakixtan Masoor Ijaz đã giúp chuyển một bản ghi nhớ không được ký tên của ông Zardari tới Đô đốc Mike Mullen, khi đó là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, yêu cầu Mỹ hỗ trợ chống lại khả năng "tiếm quyền" của quân đội Pakixtan.

Theo bản ghi nhớ này, nếu Mỹ can thiệp nhân danh chính phủ Zardari, họ sẽ có những nhượng bộ lớn ngang với việc dâng "Pakixtan" cho Mỹ. Sau khi các nhà lãnh đạo quân đội và các cơ quan tình báo Pakixtan đã bị "trừ khử", chính phủ dân sự sẽ thay thế họ bằng những quan chức ủng hộ Mỹ và bổ nhiệm một ủy ban để điều tra toàn bộ vấn đề bin Laden và Nhà Trắng có thể đề cử các nhân viên điều tra độc lập tham gia ủy ban này. Chính phủ Zardari còn hứa rằng, Pakixtan sẽ giao nộp "những thủ lĩnh của Al Qaeda hoặc các nhóm khủng bố khác vẫn còn ở trên đất Pakixtan, trong đó có Ayman al-Zawahiri - thủ lĩnh hiện nay của Al Qaeda, Mullah Omar - thủ lĩnh Taliban tại Ápganixtan và Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới Haqqani". Các lực lượng Mỹ cũng sẽ được "bật đèn xanh" để bắt hoặc tiêu diệt những kẻ khủng bố trên đất Pakixtan, đồng thời Ixlamabát cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Oasinhtơn để tăng cường các loại vũ khí hạt nhân của nước này.

Tin tức về bản ghi nhớ trên đã vấp phải những tuyên bố giận dữ tại Pakixtan rằng chính phủ đã bán rẻ chủ quyền, an ninh và độc lập quốc gia, đồng thời làm tăng thái độ chống Mỹ. Các chính trị gia đối lập đã gọi đây là một sự phản bội và Cơ quan Tình báo Liên ngành (ISI) của Pakixtan đã tiến hành một cuộc điều tra an ninh quốc gia. Ông Mansoor Ijaz, chủ ngân hàng đầu tư đã gây ra sự tức giận hơn nữa khi viết trên Thời báo Tài chính số ra ngày 10/10 rằng chính ông đã soạn thảo và chuyển bản ghi nhớ theo lệnh của Đại sứ Pakixtan tại Oasinhtơn Husain Haqqani - một tâm phúc của Tổng thống Zardari. Ông Haqqani đã từ chức ngay lập tức, trở về Pakixtan và phủ nhận những tuyên bố của ông Ijaz.

Các đảng đối lập đã yêu cầu Tòa án Tối cao điều tra vụ bê bối này. Iftikhar Chaudhry, Chánh án Tòa án Tối cao Pakixtan, vẫn trì hoãn việc ra quyết định, trong khi bổ nhiệm một nhà điều tra đặc biệt để thu thập và bảo vệ bằng chứng. Ông cũng yêu cầu Tổng thống Zardari và quân đội đưa ra các tuyên bố. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Zardari chưa phản ứng với yêu cầu của tòa án, bất chấp việc ông Chaudhry nói rằng từ chối đưa ra tuyên bố có thể bị coi là chấp nhận lời buộc tội.

Hai tuần trước, ông Zardari đã bất ngờ đến Đubai để điều trị bệnh. Việc này đã làm dấy lên một loạt tin đồn về khả năng xảy ra đảo chính, cho rằng quân đội đang tìm cách buộc ông phải từ chức và ông ta đang tìm cách để khỏi phải xuất hiện tại tòa án. Giờ đây, khi ông trở về nước lại làm nảy sinh tin đồn rằng phe đối lập sẽ tìm cách viện dẫn điều 47 của Hiến pháp Pakixtan, cho phép cách chức tổng thống nếu "không đủ sức khỏe về thể chất hoặc tinh thần".

Trong khi đó, việc cựu Tổng thống Pervez Musharraf tuyên bố cuối tuần trước rằng ông sẽ trở về Pakixtan trong vòng vài tuần để lãnh đạo Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakixtan - chính đảng mới của ông - đang làm phức tạp thêm vấn đề. Theo cựu đại sứ Canađa tại Pakixtan Louis Delvoie, sự trở về của ông Musharraf có thể khiến mâu thuẫn giữa quân đội và chính phủ tăng vọt.

Báo "Dawn", một trong những tờ báo có uy tín nhất ở Pakixtan, cho rằng quá hồ đồ khi nói rằng quân đội đang lên kế hoạch đảo chính, song cũng phải lưu ý rằng quân đội trước đây đã từng lên nắm quyền lực. Giới phân tích cho rằng quân đội có rất nhiều cách để gây áp lực buộc Tổng thống Zardari phải từ chức, nhất là khi xác minh được mối liên hệ giữa ông với bản ghi nhớ trên.

Thanh Hoa - Đình Thư - TTK