06:09 01/06/2011

Xung quanh diễn văn tạm biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

"Nhật báo Phố Uôn" mới đây đã bình luận về một loạt diễn văn tạm biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhân việc ông chuẩn bị rời chức vụ này vào tháng 6 này sau hơn 4 năm đứng đầu Lầu Năm Góc.

"Nhật báo Phố Uôn" mới đây đã bình luận về một loạt diễn văn tạm biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhân việc ông chuẩn bị rời chức vụ này vào tháng 6 này sau hơn 4 năm đứng đầu Lầu Năm Góc. Trong các bài diễn văn này, ông Gates luôn nhấn mạnh Mỹ chỉ có thể hoặc là một siêu cường hoặc là một nhà nước phúc lợi chứ không thể vừa là siêu cường vừa là nhà nước phúc lợi. "Nhật báo Phố Uôn" bình luận đây có thể coi là lời cảnh báo tạm biệt của ông Gates trước khi rời Lầu Năm Góc.

Ông Gates đã sử dụng các bài diễn văn tạm biệt để nhấn mạnh nhu cầu an ninh và chi phí quốc phòng của Mỹ, trong đó ông cảnh báo việc cắt giảm các chương trình vũ khí và quân số đang làm cho nước Mỹ dễ bị tổn thương hơn trong môi trường an ninh đầy phức tạp và không thể lường trước được. Trong bài phát biểu tại Viện Kinh doanh Mỹ ngày 24/5, ông lưu ý Mỹ đang trở lại “thời kỳ nghỉ mua sắm” hồi thập niên 1990 khi chính quyền Clinton quyết định ưu tiên lợi ích kinh tế bằng việc giảm chi tiêu quân sự sau Chiến tranh Lạnh.

Ông Gates nhấn mạnh vai trò của Mỹ với vị thế lãnh đạo toàn cầu phụ thuộc vào năng lực phát huy sức mạnh. So với các thời kỳ trong lịch sử, hiện Mỹ dành tương đối ít ngân sách cho quốc phòng. Ngân sách quốc phòng 530 tỷ USD trong năm 2011 chỉ chiếm 3,5% GDP, hoặc 4,5% nếu tính cả chi phí cho hai cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan. Trước đây, chi phí quốc phòng của Mỹ suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh chiếm 7,5% GDP và thời kỳ đỉnh cao năm 1986 dưới chính quyền Reagan chiếm 6,2% GDP.

Chính quyền Obama đã đặt Lầu Năm Góc vào chế độ "ăn kiêng" về tài chính. Nhà Trắng đề nghị ngân sách quốc phòng 553 tỷ USD cho năm 2012, thấp hơn 13 tỷ USD so với dự báo nhu cầu quốc phòng năm 2011. Từ nay đến năm 2016, ngân sách quốc phòng hầu như không tăng và Lầu Năm Góc sẽ buộc phải giảm 47.000 lính bộ binh và lính thủy đánh bộ. Nhà Trắng thậm chí còn muốn ngân sách quốc phòng giảm tới 150 tỷ USD.

"Nhật báo Phố Uôn" cho rằng, ông Gates xứng đáng được ghi công trong cuộc chiến chống lại xu hướng tồi tệ nhất của Nhà Trắng đối với Lầu Năm Góc, nhưng thất bại lớn nhất của ông là Lầu Năm Góc chỉ nhận được phần nào trong các gói kích thích tài chính trong khủng hoảng kinh tế. Thay vào đó, Lầu Năm Góc bị cắt giảm 350 tỷ USD trong các chương trình vũ khí. Ông kêu gọi các tư lệnh 4 quân chủng quân đội Mỹ nỗ lực tiết kiệm 100 tỷ USD. Nhà Trắng lại yêu cầu cắt giảm thêm 78 tỷ USD nữa. Năm 2010, ông yêu cầu tăng chi phí quốc phòng 2-3%, thậm chí chỉ 1% để duy trì nguyên trạng các hoạt động của quân đội nhưng câu trả lời của Nhà Trắng là 0%.

Trong nhiệm kỳ của ông Gates, các nguồn lực tập trung vào nhu cầu của các cuộc chiến tranh hôm nay chống lại các cuộc xung đột được giả định sẽ xảy ra trong ngày mai. Đường lối này thực sự quan trọng vào đầu nhiệm kỳ của ông năm 2007 khi Mỹ đang chật vật trong cuộc chiến tranh Irắc. Tuy nhiên, đường lối này đã phải nhường bước khi Mỹ phải dành ngân sách quốc phòng để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và các cường quốc khu vực khác, các nhân tố sẽ định hình tương lai an ninh thế giới. Quyết định ngừng sản xuất máy bay chiến đấu F22 và một số chương trình phòng thủ tên lửa đầy hứa hẹn có thể trở lại ám ảnh nước Mỹ.

Ông Gates biết rõ Mỹ không thể cân bằng ngân sách bằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng. Nếu cắt giảm ngân sách quốc phòng 10% tức 55 tỷ USD trong thâm hụt ngân sách 1,4 nghìn tỷ USD không giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách nhưng lại là thảm họa đối với cơ cấu sức mạnh của Mỹ.

Trong diễn văn tại Notre Dame, ông Gates nhấn mạnh, ông ủng hộ mạnh mẽ "quyền lực mềm vì quyền lực này có tầm quan trọng thiết yếu của nền ngoại giao và phát triển với vai trò là thành phần căn bản của chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Nhưng cũng không hề sai khi nhấn mạnh đảm bảo cao nhất không để những kẻ xâm lược, độc tài và khủng bố của thế kỷ 21 thành công là quyền lực cứng, bao gồm quy mô, sức mạnh và tầm với toàn cầu của sức mạnh quân sự Mỹ”.

"Nhật báo Phố Uôn" nhấn mạnh lời nhắn nhủ quan trọng này nhằm vào những người Cộng hòa chủ trương cắt giảm hơn nữa ngân sách quốc phòng, đặc biệt là Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ, Tổng thống Obama rằng họ đang làm cho sức mạnh quân sự của Mỹ yếu đi nhiều so với trước đây.

Anh Tuấn (P/v TTXVN tại New York, Mỹ)