11:09 23/11/2012

Xung quanh đề án “đóng cửa” rừng tự nhiên

Theo Dự thảo Đề án khai thác gỗ rừng tự nhiên 2013- 2020 đang được ngành nông nghiệp xây dựng, dự kiến rừng tự nhiên sẽ được “đóng cửa” từ năm 2013. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc này là “lợi bất cập hại”. Hoặc, nếu thực hiện cũng cần lộ trình hợp lý, bởi có không ít hệ lụy.

Theo Dự thảo Đề án khai thác gỗ rừng tự nhiên 2013- 2020 đang được ngành nông nghiệp xây dựng, dự kiến rừng tự nhiên sẽ được “đóng cửa” từ năm 2013. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc này là “lợi bất cập hại”. Hoặc, nếu thực hiện cũng cần lộ trình hợp lý, bởi có không ít hệ lụy.

 

“Đóng cửa” để giữ rừng


Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện nay, vấn đề “nóng” nhất là tình trạng phá rừng, khai thác rừng quý hiếm trái pháp luật.


 

Gỗ được lâm tặc dùng trâu kéo ra tập trung ở gần bìa rừng tại tiểu khu 318 thuộc địa bàn huyện Sông Hinh, Phú Yên (giáp với tỉnh Đắk Lắk), được phát hiện ngày 14/3/2012.

 

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy các vụ chặt phá rừng đã giảm so với năm 2011. Tuy nhiên, trên bình diện toàn quốc, một số nơi tình trạng phá rừng còn rất nghiêm trọng. Tình hình tái bùng phát ở khu vực Bắc Kạn, có thể nói rộng ra khu vực giáp ranh 3 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn và khu vực miền Trung.


Đặc biệt, nơi xảy ra tình trạng phá rừng nhức nhối nhất hiện nay là Tây Nguyên. Trong 5 năm qua, diện tích rừng khu vực này đã giảm gần 130.000 ha, hiện chỉ còn 1,8 triệu ha rừng. Một số vùng đệm, vùng lõi của các khu bảo tồn, vườn quốc gia như: Yok Đôn, Ea Sô, Chư Yang Sin, Nam Nung (Đắk Lắk) vẫn đang bị lấn chiếm, chặt phá trái phép.


“Ở đâu để xảy ra tình trạng đó nghĩa là cả hệ thống chính trị của chúng ta chưa vào cuộc một cách đồng tâm hiệp lực và có hiệu quả, trước hết có vai trò của kiểm lâm với tư cách lực lượng phát hiện vấn đề sớm ngay tại gốc và tham mưu cho Nhà nước các giải pháp đồng thời trừng trị người vi phạm”, ông Hà Công Tuấn nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng chỉ ra thực tế: Có tình trạng phá rừng nghiêm trọng hiện nay là bởi nhiều đối tượng đã lợi dụng việc khai thác rừng theo chỉ tiêu được giao hàng năm để phá rừng. Xuất phát từ thực tế này, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ tạm thời đóng cửa rừng tự nhiên (tạm không khai thác gỗ rừng tự nhiên) trong thời gian tới. Phương án này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng lợi dụng chỉ tiêu khai thác rừng để hợp thức hóa nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.

 

Cần tính toán kỹ


Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ đang xây dựng Đề án khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2013- 2020, trong đó có một nội dung quan trọng là đề xuất tạm đóng cửa rừng.


Mặc dù đề án nhằm quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên, chấn chỉnh việc khai thác gỗ đang ở mức đáng báo động, song dư luận trong và ngoài ngành lâm nghiệp đều ái ngại và cho rằng cần cân nhắc nhiều khía cạnh khi triển khai đề án này. Bởi nếu không cân nhắc kỹ, hàng loạt vấn đề sẽ xảy ra như: thiếu việc làm, thiếu lâm sản, tăng nhập khẩu gỗ gây áp lực cho gánh nặng ngân sách.


Đơn cử là trường hợp của tỉnh Hà Tĩnh, nơi có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là trên 363.700 ha. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, nếu đóng cửa rừng, hầu hết cán bộ, công nhân lâm nghiệp và người dân sống những khu vực gần rừng như Hương Sơn, Hương Khê sẽ bị thiếu việc làm. “Nếu đóng cửa rừng, tỉnh sẽ khó khăn rất lớn trong việc tìm ngân sách để bảo vệ, phát triển diện tích rừng tự nhiên. Vì vậy, cần tính toán kỹ để sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương”, ông Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh bày tỏ ý kiến.


Dư luận cũng e ngại việc đóng cửa rừng tự nhiên sẽ tác động tới nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. Ở góc độ khoa học, ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XII bày tỏ quan điểm: Hiện nay mỗi năm nước ta phải chi cho nhập khẩu gỗ chừng 1,2 tỷ USD. Nếu cấm cửa rừng tự nhiên diện rộng, áp lực cho ngân sách dùng để nhập khẩu gỗ sẽ còn tăng hơn. Còn ông Nguyễn Huy Lợi băn khoăn: “Nếu đóng cửa rừng sẽ không tận dụng hết được tài nguyên rừng một cách hợp lý, gỗ rừng có thể biến thành tài nguyên chết”.


Vì thế, theo ông Nguyễn Đăng Vang, nên cấm những nơi cụ thể và vào những khoảng thời gian nhất định. Còn về lâu dài, vẫn cần khai thác và có biện pháp quản lý chặt chẽ, bởi thực tế, rừng tự nhiên hiện nay vẫn có cả những loại rừng mới trồng chừng 8 năm và có thể khai thác. Loại cây này tuổi thọ không cao và nếu không khai thác thì cây sẽ chết và lãng phí nguồn lâm sản.


Chia sẻ về những chuyển biến trong quá trình soạn thảo Đề án khai thác gỗ rừng tự nhiên đến năm 2020, ông Cao Chí Công, Vụ trưởng Vụ Sử dụng rừng, cơ quan được giao xây dựng Đề án này cho biết: Dự thảo lần 2 của đề án này đang được chỉnh sửa trình Bộ NN&PTNT. Lộ trình cụ thể của việc đóng cửa rừng sẽ sớm được Bộ thông tin chính thức vào cuối tháng 11/2012. Nếu được thông qua, việc đóng cửa rừng sẽ triển khai từ năm 2013.


Thừa nhận thực tế, xung quanh việc đóng cửa rừng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, một lãnh đạo của Tổng cục Lâm nghiệp tiết lộ, vẫn thực hiện “đóng cửa” nhưng theo hướng sẽ tiếp tục cho những công ty lâm nghiệp có các phương án quản lý rừng bền vững được phép khai thác. Tuy nhiên, con số này sẽ không nhiều.


Cũng có những ý kiến cho rằng, song song với việc đóng cửa rừng, nhất thiết phải tính toán để có những chính sách khuyến khích việc chế biến sử dụng gỗ từ rừng trồng và khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học về nuôi dưỡng, phục hồi rừng tự nhiên.


Mạnh Minh