08:10 13/08/2011

“Xung đột lợi ích” khó chuyển giao công nghệ

Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương được đánh giá là viện đầu ngành có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương được đánh giá là viện đầu ngành có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, hiện nay vẫn còn những xung đột lợi ích giữa nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và chủ đầu tư, gây khó khăn không nhỏ cho việc chuyển giao công nghệ vào cuộc sống. Phóng viên TTXVN đã cùng trao đổi với TS Nguyễn Chỉ Sáng về những giải pháp giải quyết xung đột này một cách hữu hiệu nhất.

Thưa ông, báo cáo hoạt động khoa học và công nghệ từ năm 2005 - 2010 của Viện có nói đến sự xung đột lợi ích giữa nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và chủ đầu tư đã gây khó khăn cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế. Xin ông cho biết đó là những xung đột nào và đâu là nguyên nhân?

Đúng là hiện nay ngành chế tạo máy và thiết bị đang xảy ra tình trạng xung đột này. Một nhà đầu tư khi đầu tư dự án tại Việt Nam thường đặt ra một loạt mục đích: Đầu tư nhà máy với dây chuyền công nghệ, thiết bị chất lượng đạt yêu cầu, giá thành rẻ; yếu tố quan trọng tiếp theo là tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ có kinh nghiệm nhằm giảm thiểu rủi ro của dự án đầu tư, bên cạnh đó phải tuân thủ luật đấu thầu. Một yếu tố quan trọng nữa là thu xếp vốn cho dự án, thông thường nhà cung cấp thiết bị nước ngoài có thể thu xếp vốn cho dự án dưới dạng hỗ trợ của nước xuất khẩu cho các nhà xuất khẩu.

Hàn sản phẩm trên hệ thống máy phun dây hồ quang tại Phòng thí nghiệm trọng điểm tại Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương). Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN


Để đáp ứng các tiêu chí trên, thông thường chủ đầu tư ưu tiên thuê tổng thầu EPC nước ngoài, nhập khẩu thiết bị nước ngoài. Nhưng nếu chủ đầu tư lại đầu tư một số lượng lớn các dự án thì nhà đầu tư lại chọn các nhà nghiên cứu và sản xuất trong nước để nhận chuyển giao công nghệ, làm chủ việc thiết kế chế tạo, làm chủ quá trình đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa… đồng thời giá đầu tư cạnh tranh hơn nhập ngoại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư lớn của Việt Nam chưa làm được điều này do họ không đủ năng lực và quyền hạn để tập hợp các nhà sản xuất và nhà nghiên cứu cũng như sử dụng vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ. Họ vi phạm luật đấu thầu vì để áp dụng cơ chế này họ cần chỉ định thầu một số lượng nhất định các dự án.

Đối với nhà nghiên cứu và nhà sản xuất Việt Nam, để dự án mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư và bản thân nhà khoa học, nhà sản xuất thì việc ứng dụng kết quả nghiên cứu phải được thực hiện số lượng đủ lớn do kết quả đề tài nghiên cứu chưa thực sự hoàn thiện sẽ được tiếp tục cải tiến trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất là các nhà khoa học và nhà sản xuất không có khả năng thu xếp vốn cho dự án.

Nếu xét về mục tiêu dài hạn, các kết quả nghiên cứu được nhà sản xuất trong nước thực hiện trong một số dự án nhất định, sản phẩm sẽ được cải tiến đáp ứng nhu cầu của chủ đầu tư, sản phẩm cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài. Các nhà đầu tư lần đầu áp dụng kết quả nghiên cứu có thể chịu rủi ro và giá thành không hấp dẫn nhưng các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án tiếp theo có được chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh hơn.

Những xung đột này có thể giải quyết dứt điểm và triệt để được không và giải pháp như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, các xung đột này hoàn toàn có thể giải quyết được một cách căn bản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các xung đột này chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nơi mà hoạt động của các tổ chức nghiên cứu phát triển độc lập với hoạt động của chủ đầu tư, còn các nước phát triển hầu như không có chuyện này.

Với các nước phát triển, thông thường các tập đoàn có các tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ cho các mục tiêu phát triển của tập đoàn như Tập đoàn Alcoa của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, có trung tâm nghiên cứu về công nghệ chế biến bôxít. Thực tế, những nghiên cứu này tốn kém nên nếu chỉ áp dụng kết quả nghiên cứu cho một, hai dự án thì không những công nghệ chưa hoàn thiện mà còn không thể khấu hao được chi phí đầu tư cho nghiên cứu thử nghiệm. Bài học ở đây là nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và chủ đầu tư thực chất là một.

Đối với Việt Nam, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ nên căn cứ trên chương trình phát triển kinh tế xã hội, xác định nhu cầu thị trường cho mỗi ngành công nghiệp, với các ngành công nghiệp có thị trường lớn cần có chiến lược chiếm lĩnh thị trường. Trong chiến lược phải xác định rõ nhiệm vụ cần giải quyết về công nghệ, giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học, nhà sản xuất là phải nghiên cứu, mua công nghệ để thực hiện thành công chiến lược. Như vậy, kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng trong một chuỗi các dự án và kéo theo sự hoàn thiện về công nghệ, chi phí nghiên cứu sẽ được khấu hao, chủ đầu tư tạo được sản phẩm với chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước cần xây dựng chiến lược tổng thể gắn kết các chương trình phát triển kinh tế với hoạt động khoa học công nghệ. Còn các nhà khoa học phải có trách nhiệm nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất, vì chỉ có công nghệ tiên tiến mới có thể tạo ra được sản phẩm có chất lượng và giá thành cạnh tranh. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp chế tạo máy cần ưu tiên vào việc ứng dụng và nhận chuyển giao công nghệ hơn là tự nghiên cứu. Điều này được chứng minh qua các dự án thủy điện, trước năm 2004 khi đầu tư các dự án thủy điện, Việt Nam phải nhập gần như 100% thiết bị cơ khí thủy công, năm 2005 Chính phủ nhận thấy nhu cầu về thiết bị thủy công rất lớn, trong nước có khả năng chế tạo nếu có công nghệ và hướng dẫn chế tạo của nước ngoài. Do đó, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu Cơ khí nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài… Đến nay, Viện đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và đã cùng các nhà chế tạo trong nước cung cấp thiết bị cơ khí thủy công cho trên 30 dự án, trong đó có dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu… với giá cả và chất lượng cạnh tranh so với nhà cung cấp nước ngoài.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Anh (thực hiện)