01:08 10/01/2012

Xung đột Iran - phương Tây: Khó thành chiến tranh

Theo báo "Cuộc sống" của Arập Xêút ngày 8/1, cuộc xung đột Iran và phương Tây thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có quốc phòng và việc mở rộng lợi ích của cả hai bên tại Trung Đông, cũng như các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và tự do hàng hải ở vịnh Pécxích...

Theo báo "Cuộc sống" của Arập Xêút ngày 8/1, cuộc xung đột Iran và phương Tây thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có quốc phòng và việc mở rộng lợi ích của cả hai bên tại Trung Đông, cũng như các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và tự do hàng hải ở vịnh Pécxích, nhất là việc các tàu chở dầu quá cảnh tại eo biển trọng yếu Hormuz.

Hải quân Iran bắn tên lửa Mehrab trong cuộc tập trận "Velayat-90", ngày 1/1/2012. AFP/TTXVN


Xét trên nhiều khía cạnh, cuộc xung đột này đã nổ ra kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Mức độ xung đột tăng lên sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo hồi tháng 11/2011 về tiến độ của chương trình hạt nhân của Iran. Một nhân tố khác khiến xung đột leo thang là Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 31/12/2011 đã thông qua một dự thảo luật tại quốc hội nhằm tẩy chay các công ty quốc tế làm ăn với Ngân hàng Trung ương Iran và các tổ chức tài chính của nước này. Hơn nữa, các nước châu Âu đã nhất trí trên nguyên tắc thông qua các biện pháp tương tự, trong đó có cấm nhập khẩu dầu thô của Iran. Quyết định tẩy chay Ngân hàng Trung ương Iran thực tế là sự leo thang đáng kể chống Iran và hoàn toàn khác với những biện pháp trừng phạt trước đây.

Vấn đề hạt nhân là cốt lõi của mâu thuẫn giữa hai bên hiện nay. Ixraen đang cố thuyết phục Mỹ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran, song Mỹ vẫn do dự. Rõ ràng, Mỹ không muốn tiếp tục một cuộc phiêu lưu quân sự khác ở Trung Đông, nhất là khi vừa mới rút quân khỏi Irắc và năm 2012 còn là năm bầu cử. Mỹ cũng lo ngại phản ứng của Iran trong trường hợp leo thang xung đột. Trong khi đó, châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính khó khăn do các vấn đề nợ công của một số nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như số phận của đồng euro sẽ lâm nguy trong năm 2012. Đúng là chiến dịch quân sự ở Libi trong những tháng qua đã lật đổ được ông Moamer Kadhafi song chi phí quá lớn. Một chiến dịch quân sự tại Iran sẽ có phạm vi lớn hơn nhiều và sẽ tiêu tốn hơn nhiều so với chiến dịch tại Libi.

Trong cuộc khủng hoảng này, cả hai bên đều có những nhân tố thuận lợi và bất lợi để duy trì hiện trạng hoặc leo thang vấn đề hơn nữa. Xét những điều kiện hiện nay từ cả hai phía, dường như tình hình không dẫn tới sự leo thang. Iran biết rất rõ rằng việc đóng cửa eo biển Hormuz đối với các tàu chở dầu, hiện đang vận chuyển qua đây khoảng 17 triệu thùng/ngày, chẳng khác nào một lời tuyên chiến. Iran còn biết rằng các biện pháp trừng phạt chống ngân hàng trung ương của họ đang đe dọa nền kinh tế trong nước. Tỷ giá hối đoái giữa đồng rial của Iran và đồng USD của Mỹ đã tăng từ 10.000 rial/USD trước khủng hoảng lên khoảng 17.000 rial/USD hiện nay. Đó là chưa kể đến căn bệnh lạm phát của đất nước này do các chính sách quản lý sai lầm của chính phủ. Những nhân tố này đã làm suy yếu sự ủng hộ đối với chính quyền Iran trước thềm các cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra trong vài tháng tới, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói bất đồng ở trong nước. Điều này khiến Iran khó có thể cùng một lúc chiến đấu trên nhiều mặt trận trong và ngoài nước.

Hơn nữa, việc phong tỏa eo biển Hormuz sẽ không có ích gì nếu chỉ kéo dài một hoặc hai ngày. Vùng biển này phải bị đóng cửa trong thời gian dài, có thể là vài tuần, thì các nước công nghiệp phương Tây mới cảm nhận được ảnh hưởng của nó, vì họ sở hữu những nguồn dự trữ chiến lược và thương mại mà có thể duy trì tới 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, việc phong tỏa eo biển này trong một thời gian dài cũng sẽ đồng nghĩa với sự gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran và nhập khẩu hàng hóa nước ngoài. Sự phong tỏa kéo dài còn cho các nước phương Tây, nhất là Mỹ, vốn đang chịu sức ép từ Ixraen, cơ hội phát động một chiến dịch quân sự. Thực tế, chiến dịch như vậy sẽ không chỉ nhằm mở lại eo biển Hormuz cho tàu bè quốc tế, mà còn chớp cơ hội tấn công các cơ sở hạt nhân và chương trình vũ khí hạt nhân, các căn cứ quân sự và cơ sở công nghiệp của Iran.

Iran hiểu rằng nếu xung đột tiếp diễn, trong khi chỉ giới hạn trong việc đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz mà không làm thật, sẽ đẩy giá dầu thô tăng cao, làm chậm sự phục hồi kinh tế châu Âu. Đáng chú ý là Iran đã dọa đóng cửa eo biển Hormuz trong suốt 30 năm qua mà chưa từng thực hiện lời đe dọa này, ngay cả trong suốt cuộc chiến tranh Irắc - Iran những năm 1980. Iran còn hiểu rằng lệnh cấm vận mới chống ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính của nước này sẽ làm suy yếu nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, theo báo "Đời sống", Iran dường như sẵn sàng trả giá đắt để tiếp tục chương trình hạt nhân của mình.

Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Ai Cập)