10:15 31/10/2012

Xúc tiến can thiệp quân sự vào Mali

Các chuyên gia châu Phi, châu Âu và Liên hợp quốc ngày 30/10 đã họp tại thủ đô Bamako của Mali để bàn thảo và hoàn chỉnh phương án tác chiến cho một cuộc can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali.

Các chuyên gia châu Phi, châu Âu và Liên hợp quốc ngày 30/10 đã họp tại thủ đô Bamako của Mali để bàn thảo và hoàn chỉnh phương án tác chiến cho một cuộc can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali.


Theo Tạp chí "châu Phi", cuộc họp kéo dài trong 5 ngày, các đại diện của Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Âu, LHQ và Angiêri sẽ thảo luận về chiến lược giải phóng miền Bắc Mali khỏi các nhóm vũ trang.


Bộ trưởng Quốc phòng Mali, Đại tá Yamoussa Camara cho rằng chiến tranh là "không thể tránh khỏi" để khôi phục chủ quyền của Mali tại miền Bắc. Song ông cho biết phải mất 2-3 tháng mới có thể phục hồi được năng lực của quân đội Mali - yếu tố chủ chốt trong chiến dịch quân sự này.


Tạp chí "Maghreb" dẫn một nguồn tin có thẩm quyền của Algeria (Angiêri) cho rằng, mặc dù đại diện của nước này tham gia cuộc họp tại Bamako, nhưng không có nghĩa là Algeria sẽ tham gia chiến dịch can thiệp quân sự của ECOWAS. Algeria không có nghĩa vụ phải nói "có" hay "không" đối với chiến dịch can thiệp vì vấn đề này thuộc trách nhiệm của Hội đồng Bảo an LHQ. Quân đội Algeria sẽ không tham gia hoạt động quân sự ở Bắc Mali và cũng sẽ không có quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Algeria. Chính phủ Algeria cũng chưa có ý kiến cuối cùng về đề nghị cho máy bay nước ngoài sử dụng không phận của mình để không kích các mục tiêu ở miền Bắc Mali.


Trong khi đó, phát biểu trên Đài France Inter, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh các nước châu Phi cần phải tiến hành can thiệp quân sự vào Mali và Pháp sẽ hỗ trợ. Ông cho rằng can thiệp quân sự là cần thiết để quân khủng bố không mở rộng được hoạt động ra toàn vùng Sahel. Theo ông, sự hiện diện của các nhóm khủng bố và mạng lưới buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn người ở Bắc Mali là mối đe dọa đối với an ninh của Pháp nói riêng, của châu Âu nói chung.

 

Các tay súng thuộc nhóm vũ trang Hồi giáo Ansar Dine tại Kidal, miền bắc Mali ngày 7/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết nghị quyết thứ hai của HĐBA LHQ về Mali sẽ bao gồm ba vấn đề: an ninh, tăng cường thể chế chính trị và thương lượng giữa Bamacô với các nhóm phi khủng bố, và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo.


Trong khi chờ AU và ECOWAS trình HĐBA kế hoạch can thiệp quân sự vào Bắc Mali (dự kiến vào tháng 11 tới), Tướng Sekouba Konaté, Đại diện cấp cao AU phụ trách tác chiến của Lực lượng can thiệp châu Phi (FAA), đã đến Bamako để thảo luận với chính quyền và giới chức quân sự nước này cũng như với đại diện Bộ Tham mưu quân đội các nước thành viên ECOWAS.


Trong chuyến thăm Algeria ngày 29/10, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng hối thúc Tổng thống nước chủ nhà Abdelaziz Bouteflika ủng hộ và tham gia can thiệp quân sự của các nước châu Phi vào miền Bắc Mali, nhưng không nhất thiết phải đưa quân tham chiến trên bộ. Sau cuộc gặp với Tổng thống Bouteflika, bà Clinton đánh giá cao kinh nghiệm của Algeria trong việc đối phó với những tình hình và vấn đề phức tạp ở miền Bắc Mali cũng như trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố và buôn bán ma túy trong vùng. Hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận về vấn đề Sahel và Mali thông qua các cuộc họp của chuyên gia hai nước, và trong khuôn khổ phối hợp với các đối tác trong vùng, với AU, ECOWAS và LHQ để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề trên.


Trước đây, Algeria chủ trương giải quyết vấn đề Bắc Mali bằng thương lượng và ngoại giao, do lo ngại hành động quân sự của quốc tế vào Mali có thể đẩy các phần tử vũ trang Hồi giáo ở miền Bắc Mali sang lãnh thổ Algeria. Tuy nhiên, Algeria ghi nhận nghị quyết của LHQ cho phép ECOWAS lên kế hoạch can thiệp quân sự để khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Mali.

 

 

TTXVN/Tin tức