04:08 19/04/2012

Xuất khẩu nhiều triển vọng

Kinh tế toàn cầu hồi phục chậm, nhiều quốc gia đã chọn giải pháp gia tăng xuất khẩu (XK) để vượt qua khủng hoảng, hoặc dựng rào cản thương mại hạn chế nhập khẩu… đang làm cho tính cạnh tranh ở các thị trường trở nên gay gắt.

Kinh tế toàn cầu hồi phục chậm, nhiều quốc gia đã chọn giải pháp gia tăng xuất khẩu (XK) để vượt qua khủng hoảng, hoặc dựng rào cản thương mại hạn chế nhập khẩu… đang làm cho tính cạnh tranh ở các thị trường trở nên gay gắt. Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào XK, chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam lại vất vả với đầu ra như hiện nay.

Khó khăn với doanh nghiệp
trong nước

Tại Hội thảo “Triển vọng một số ngành hàng XK của Việt Nam” được tổ chức hôm qua (18/4) tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Tình hình XK đang có nhiều khó khăn. Tuy kim ngạch XK trong quý 1/2012 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại do những bất ổn về thị trường và có xu hướng giảm giá như: dệt may, gạo, cà phê… Đặc biệt, điều hết sức quan tâm là XK của khối doanh nghiệp trong nước đang chậm lại, trái ngược với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. “Các tháng đầu năm, kim ngạch XK của các doanh nghiệp trong nước chỉ bằng với cùng kỳ, trong khi đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 43% và duy trì trạng thái xuất siêu liên tiếp từ tháng 8/2011”, TS Lê Văn Chắt, báo cáo viên Bộ Công Thương thông tin.

Phân tích tình hình thị trường, các đại biểu cho rằng, XK đang gặp khó khăn do kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút, đơn hàng giảm… Hiện, giá XK đang có xu hướng giảm sau khi tăng mạnh trong năm 2011 đang tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tại thị trường trọng điểm của Việt Nam là EU, nhiều nước đang thắt chặt chi tiêu, đồng thời, có những biện pháp bảo hộ thương mại nội khối đã tác động mạnh đến tình hình XK của Việt Nam. Ở thị trường quan trọng khác là Mỹ, ngoài sự cạnh tranh “khốc liệt” từ Trung Quốc cũng gặp nhiều trở ngại do kinh tế nước này vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc…

Kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu tại Công ty Dệt may Gia Định (Tập đoàn Dệt may Việt Nam). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Với con số nhập siêu thấp (tháng 3: 251 triệu USD) cũng là điều đáng lo vì thể hiện sự suy giảm nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước. Điều này có thể tác động đến tăng trưởng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Hiện nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi dệt, vải, nguyên liệu sản xuất dệt may, da giày… đang giảm sút và khả năng XK các mặt hàng này có thể giảm trong thời gian tới là điều khó tránh. “Hiện nay, nhiều mặt hàng XK đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất hàng XK như hạt điều, thủy sản… Ngoài ra, mặc dù các ngân hàng đã hạ lãi suất nhưng so với nhu cầu, mức lãi suất vẫn còn cao; khả năng tiếp cận vốn vay còn khó, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những khó khăn trên sẽ tác động trực diện đối với hoạt động XK của doanh nghiệp”, ông Chắt nói thêm.

Vẫn nhiều triển vọng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK hàng hóa 3 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 24,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2011. Các mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD bao gồm: thủy sản, cà phê, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại, linh kiện và hàng hóa khác.

Mặc dù có khó khăn nhưng theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn có thể lạc quan ở các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ… Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có thể cắt giảm chi tiêu hàng cao cấp, nhưng hàng hóa thiết yếu sẽ vẫn không suy giảm. Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng các nước có xu hướng quay lại sử dụng những sản phẩm hàng hóa có giá cả phải chăng, trong đó, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam có giá phù hợp với nhu cầu khách hàng ở phân khúc thu nhập trung bình khá nên khả năng đánh mất thị trường truyền thống khó xảy ra. Những sản phẩm XK của doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hiện nay là hàng dệt may, giày dép, hạt điều, hạt tiêu... Ở một góc độ khác, hiệu ứng của các thỏa ước, hiệp định thương mại song phương và đặc biệt việc gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương)… sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, tạo ra viễn cảnh mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay, dù XK đang có những biểu hiện khó khăn nhưng trong năm 2012, ngành vẫn tự tin đặt ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 25%, đạt tổng doanh thu 25 tỷ USD, trong đó XK dự kiến đạt 80%. Đối với ngành gỗ, các doanh nghiệp đang lạc quan với khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Được biết đến như thủ phủ của ngành đồ gỗ khu vực Đông Nam Á, đồ gỗ Việt Nam đã tạo được thương hiệu, có khả năng cạnh tranh tốt với các đối thủ. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng đồ gỗ của người tiêu dùng vẫn cao, nhiều thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ… là cơ hội cho ngành vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế. “Nối tiếp thành công chuyển đổi thị trường mục tiêu từ châu Âu sang Trung Quốc và Hàn Quốc, chúng tôi đang hướng đến các thị trường tiềm năng khác như: Nam Mỹ, Châu Phi, Nga… Với ngành thủy sản, nhờ các thị trường mới cũng như chất lượng sản phẩm ngày càng được khách hàng tin tưởng, chúng tôi sẽ đạt con số XK 6,5 tỷ USD trong năm nay”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản nói.

Chung sức vượt khó

Để giúp doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn trong huy động vốn, Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn; tiếp tục xem xét cho vay mới với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ. Đồng thời, các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất kinh doanh khó khăn, chậm tiêu thụ và XK sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hóa. Ngoài ra, thời gian tới các ngân hàng sẽ chủ động kết hợp với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, góp phần giúp duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo ông Chắt, Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng các giải pháp đẩy mạnh XK các mặt hàng chủ lực như: gạo, cà phê, sắn lát… trong các tháng cuối năm 2012. Bộ cũng đang rà soát lại những chương trình xúc tiến thương mại, lợi thế của các hiệp định mậu dịch, XK biên mậu... để thông tin cho doanh nghiệp sớm tận dụng đẩy mạnh XK. Một động thái khác, nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội XK hàng hóa sang châu Âu, Bộ đang xúc tiến đưa trực tiếp hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu nhằm tận dụng lợi thế khi XK trực tiếp tại các chuỗi siêu thị, hàng hóa có thể được đưa sang những nước khác thuộc chuỗi siêu thị đó. “Tuy nhiên, theo tôi tính quyết định nhất vẫn là nỗ lực từ chính doanh nghiệp khi cải tiến năng lực kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh...”, ông Chắt kết luận.

Lê Nghĩa