01:09 10/01/2012

Xuân về trên các buôn, làng

Đón mùa Xuân này, bà con dân tộc thiểu số ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) hòa chung niềm vui cùng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vừa được Chủ tịch nước trao tặng.

Đón mùa Xuân này, bà con dân tộc thiểu số ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) hòa chung niềm vui cùng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vừa được Chủ tịch nước trao tặng.

Huyện miền núi Xuân Lộc có 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số như Châuro, S`Tiêng, Chăm, Tày, Nùng, Kh’mer, Mán, Sán Dìu, Dao, Êđê, Mường, Thổ, K`Ho, Thái, Sán Chỉ và dân tộc Hoa. Trước năm 1990, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số huyện còn rất nghèo, cuộc sống du canh du cư…

Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết: Từ khi thành lập huyện Xuân Lộc (7/1991), Đảng bộ Huyện luôn xem đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng lao động nông thôn quan trọng góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông thôn của huyện. Vì vậy, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ huyện luôn có quyết sách riêng đối với đồng dân tộc thiểu số, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho các làng dân tộc. Đến nay cơ sở hạ tầng kinh tế thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt và sản xuất… của các làng dân tộc ở Bình Hòa (xã Xuân Phú), ấp Ba Buông (Xuân Hòa), ấp 4 (Xuân Tâm), ấp Trung Sơn, Gia Hòa (Xuân Trường), ấp Thọ Trung (Xuân Thọ) đã được xây dựng hoàn chỉnh phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thực hiện Chương trình 135, huyện đã từng bước xây dựng, sửa chữa và làm mới 79 km đường giao thông nông thôn, kéo 39 km đường dây điện hạ thế, đầu tư trên 5,5 tỷ đồng xây dựng 2 cống hộp cho 11 ấp đặc biệt khó khăn và hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho 11 ấp này nâng cao đời sống của các hộ đồng bào dân tộc. Ngoài ra, từ năm 2004 đến nay, toàn huyện đã huy động mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng được 700 căn nhà tình thương; hỗ trợ các dụng cụ chứa nước sạch cho 382 hộ. Huyện cấp 18,74 ha đất sản xuất và 690 triệu đồng hỗ trợ đồng bào phát triển chăn nuôi, sản xuất; đầu tư bằng nguồn kinh phí của huyện với số tiền trên 2,5 tỷ đồng để mắc đồng hồ dẫn nước sạch cho 372 hộ đồng bào dân tộc ở ấp 4, xã Xuân Hưng. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, sản xuất…, huyện còn tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc. Đến nay, huyện đã đào tạo dạy nghề ngắn hạn và dài hạn cho trên 230 học sinh dân tộc; xét miễn giảm học phí cho 1.300 học sinh, chọn và cử tuyển trên 40 học sinh vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, 100% người nghèo dân tộc trong toàn huyện đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Hùng Văn Xứng, một già làng dân tộc Châuro ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú nói: “Trước đây, đời sống đồng bào chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn vì không có điện, nước sinh hoạt. Đến nay làng Châuro và các làng dân tộc anh em khác trong huyện đều thay đổi rất nhiều. Làng chúng tôi được Đảng và Nhà nước quan tâm làm nhà tình thương, nhà 134, kéo điện về làng, xây dựng trường học để đưa cái chữ đến với con em; khoan nước sạch cho bà con sinh hoạt, sản xuất; các hộ không có đất thì được cấp đất sản xuất, làm nhà… Bà con rất phấn khởi đón cái Tết sung túc này…”.
 
Lê Hiền