02:14 14/02/2011

Xuân về, khắp nơi mở hội

Mùa xuân là mùa của lễ hội, bởi vậy trong những ngày đầu năm mới này, khắp nơi trên cả nước đều tưng bừng khai hội đầu năm. Không chỉ lễ hội cầu may, vui xuân, mà còn có rất nhiều lễ hội gắn với lao động, sản xuất như lễ hội Tịch điền...

Mùa xuân là mùa của lễ hội, bởi vậy trong những ngày đầu năm mới này, khắp nơi trên cả nước đều tưng bừng khai hội đầu năm. Không chỉ lễ hội cầu may, vui xuân, mà còn có rất nhiều lễ hội gắn với lao động, sản xuất như lễ hội Tịch điền, lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, và còn có cả những lễ hội gắn với bảo vệ rừng...

Tưng bừng lễ hội đầu năm

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ đã chính thức khai hội sáng 9/2 (tức ngày mồng 7 Tết Tân Mão), tại xã Hiền Lương, UBND huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), và sẽ kéo dài đến hết ngày 11/2 (tức ngày mồng 9 tháng Giêng âm lịch). Ngoài ý nghĩa mở hội tưởng nhớ Mẹ Âu Cơ, dâng lên Tổ Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính và biết ơn, việc khai hội đền Mẫu Âu Cơ năm nay còn là một trong những hoạt động mở đầu cho chương trình "Du lịch về cội nguồn lễ hội" năm 2011 của ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.

Trong phần lễ được tổ chức vào ngày lễ chính đền Mẫu Âu Cơ (ngày 9/2, tức ngày mồng 7 Tết Tân Mão), có đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng (Hùng Trấn Quý Minh) về đền thờ Mẫu Âu Cơ. Sau các nghi lễ truyền thống, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, cờ tướng, bóng chuyền, tổ tôm điếm và biểu diễn văn hóa văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, ca ngợi Hồ Chủ tịch.

Quang cảnh lễ hội Tịch điền tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Hàng năm, cứ đến đêm mồng 7, rạng sáng mồng 8 tháng Giêng âm lịch, du khách thập phương lại nô nức kéo nhau đi chợ Viềng - Nam Định, phiên chợ họp một lần duy nhất trong năm để “bán điều rủi, mua sự may”. Theo ông Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Nam Định, rút kinh nghiệm từ các lần tổ chức trước, năm nay, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông trong dịp chợ Viềng Xuân 2011.

Huyện Vụ Bản đã thành lập Ban chỉ đạo chợ Viềng Xuân 2011. Các xã Kim Thái, Trung Thành và thị trấn Gôi cũng đã thành lập Ban tổ chức riêng. Huyện Vụ Bản đã tăng cường khoảng 350 người gồm chiến sĩ công an, quân đội, dân phòng địa phương để giữ gìn trật tự an ninh trong dịp lễ hội; cắm thêm khoảng 40 biển báo giao thông và biển chỉ dẫn cho các phương tiện lưu thông, tổ chức các điểm trông giữ xe cho du khách thập phương. Sở VH,TT&DL và huyện Vụ Bản thường xuyên tiến hành kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm như tăng giá dịch vụ bất hợp lý; các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, hành khất; kinh doanh hàng giả, hành nhái, hàng kém chất lượng, các văn hóa phẩm ngoài luồng...

Ngoài những lễ hội lớn, trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam cũng diễn ra các lễ hội đầu năm mới. UBND huyện Quang Bình (Hà Giang) đã tổ chức khai mạc Hội chọi trâu lần thứ nhất, thu hút 32 trâu chọi đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Hà Giang và các tỉnh bạn như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Dương, Hải Phòng tham gia.

Huyện Nam Đàn (Nghệ An) cũng đang tích cực chuẩn bị Lễ hội đền Vua Mai (thờ vua Mai Hắc Đế), diễn ra từ ngày 15 - 17/2 (tức ngày 13 - 15 tháng Giêng năm Tân Mão). Lễ hội đền Vua Mai bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như: Vật, chọi gà, đua thuyền, đu tiên, leo núi, ném bi sắt, bóng chuyền, bóng bàn, múa hát, thi chế biến các món ăn truyền thống và các hoạt động thể dục thể thao khác.

Ngày 9/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Tân Mão), Hội miếu Tiên Công (xã Cẩm La, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) cũng đã chính thức khai hội. Miếu Tiên Công thờ 17 vị tiên công đã có công khai hoang lập ấp; có công đầu tiên quai đê lấn biển lập nên khu đảo Hà Nam trù phú, làng xóm đông vui như ngày nay.

Tại buổi lễ, các cụ từ 70 tuổi trở lên cùng con cháu ra đền lễ Tiên Công. Tại đền Tiên Công các vị chức sắc làm lễ cáo yết Tiên Công và bình chọn bốn cụ thượng thọ khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, con cái chăm ngoan để làm lễ động thổ. Bốn cụ đã được chọn bê bốn hòn đất đắp đê tượng trưng trước hương án Tiên Công và diễn trò đánh vật, nhằm biểu thị tinh thần đấu tranh với thiên nhiên, tiếp tục sự nghiệp của các Tiên Công quai đê lấn biển, bảo vệ xóm làng. Sau lễ động thổ, dân làng và dân các nơi khác đến bắt đầu vào cuộc hội náo nhiệt với các trò chơi như chọi trâu, chọi gà, đánh cờ người, chơi đu, trai gái còn hát đám, hát chèo...

Nhiều lễ hội gắn với lao động sản xuất

Không chỉ có các lễ hội cầu may, vui xuân, nhiều lễ hội gắn liền với lao động sản xuất cũng được diễn ra trong ngày đầu xuân mới. Tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam), sáng 9/2 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Tân Mão), rất đông người dân và du khách đã có mặt để tham dự Lễ hội Tịch điền năm 2011.

Theo sử sách, mùa xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm lễ Tịch điền (cày ruộng). Kể từ đó, lễ Tịch điền trở thành một hỷ tục mà các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Sau lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu làm lễ Tịch điền, đại diện lãnh đạo UBND huyện Duy Tiên đọc văn trình vua Lê Đại Hành, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội.

Sau lễ dâng hương, trong tiếng trống rền vang, bô lão Đinh Trọng Tế ở thôn Đọi Nhất, năm nay đã 83 tuổi khoác áo Long bào nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp đó là những đường cày của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên và đông đảo người dân tham gia lễ hội. Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như thi đấu bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, chơi đu, đi cầu khỉ, bịt mắt đánh trống, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đi ván, kéo co... diễn ra đã thu hút hàng nghìn người tham gia.

Ngoài lễ Tịch điền ở Hà Nam, đồng bào dân tộc Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang... cũng tổ chức Lễ hội Lồng tồng (hội xuống đồng) đầu xuân để cúng tế trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, cày ruộng và gieo vãi hạt giống và tổ chức các trò chơi dân gian.

Một trong những lễ hội có ý nghĩa đầu xuân là lễ cúng rừng của các dân tộc thiểu số ở Lào Cai như Tày, Dao, Nùng và Mông. Lễ cúng rừng được tổ chức tại rừng cấm, chọn những cây to và điểm cửa rừng của thôn, bản làm điểm thờ. Mâm lễ vật thường có gà, xôi, thịt, rượu... tùy theo điều kiện kinh tế của từng địa phương và sự hỗ trợ của chính quyền đoàn thể.

Nhận thấy đấy là tục lệ có những nét tích cực bảo vệ rừng, ngành Kiểm lâm Lào Cai đã tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương có rừng soạn thảo hương ước, quy ước bảo vệ rừng, ngay từ đầu năm ký kết với các hộ - nhất là các hộ sống trong vùng rừng phòng hộ về quy ước bảo vệ rừng. Năm nay, từ 7/2 (tức mồng 5 Tết) các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Si Ma Cai... đã tổ chức lễ cúng rừng và ký kết hương ước, quy ước bảo vệ rừng.

Tục lệ cúng rừng đầu năm của dân tộc thiểu số Lào Cai thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng. Nhờ kết hợp tốt tục cúng rừng với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng mà số vụ cháy rừng hàng năm ở Lào Cai giảm, diện tích trồng rừng tăng nhanh đạt độ che phủ gần 50%, tăng bình quân 5% mỗi năm, ý thức bảo vệ rừng và khai thác rừng của người dân được nâng lên theo hướng thân thiện với rừng và môi trường.

TTN