Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ quan hành chính, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, địa bàn quản lý.
Người đứng đầu UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao, nơi tập trung đông người; tiếp tục kiểm tra, rà soát, đình chỉ hoạt động và có kế hoạch di dời các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ, độc hại như: cơ sở sản xuất, chế biến gỗ; cơ sở sang chiết, kinh doanh gas, xăng dầu, hóa chất…, ra khỏi khu dân cư.
Các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn thực hiện việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, vận động trang bị phương tiện báo cháy tự động (hệ thống báo cháy tự động hoặc đầu báo cháy không dây) tại khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để cảnh báo cháy sớm, kịp thời phát hiện, thoát nạn và tổ chức chữa cháy hiệu quả, hạn chế thiệt hại về người, tài sản khi có cháy xảy ra. Đồng thời, vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị một bình chữa cháy, có ít nhất có một người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; hoàn thành xây dựng Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ cho Ban quản trị nhà chung cư đơn vị quản lý nhà tập thể; vận động, hướng dẫn hộ gia đình tháo dỡ "chuồng cọp” (nếu có) để thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát việc xây dựng, cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn theo thẩm quyền, nhất là các công trình chung cư, chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, lưu trú có mật độ người ở cao, các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở tập trung đông người, cơ sở nguy hiểm cháy, nổ trong khu dân cư… Trường hợp vi phạm phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và bị xử lý theo quy định pháp luật nếu để các công trình xây dựng không đúng quy định, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền nhưng đã đưa vào hoạt động và để xảy ra cháy, nổ.
Công an tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các tòa nhà chung cư, nhà ở kết hợp cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kinh doanh trên địa bàn, kịp thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp có vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các cơ sở được kiểm tra khắc phục các hạn chế, tồn tại theo hướng "rõ người, đúng thẩm quyền, không có vùng cấm". Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; xem xét công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định pháp luật.
Đối với các cơ sở có vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền kiến nghị, yêu cầu khắc phục nhưng cố tình không thực hiện, khắc phục hoặc không đảm bảo yêu cầu về lối thoát nạn, đường thoát nạn, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và các giấy phép có liên quan theo quy định…