06:22 04/06/2014

Xử lý nước thải từ các KCN ở Đồng Nai

Theo kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2014, Đồng Nai phấn đấu 100% các KCN đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

Theo kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2014, Đồng Nai phấn đấu 100% các KCN đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Để đạt được mục tiêu này, ngoài nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì khâu vận hành và xử lý nước thải đạt chuẩn là một yêu cầu quan trọng mà các công ty hạ tầng cũng như các DN cung cấp dịch vụ vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung (NMXLNTTT) luôn phải nỗ lực và chú trọng.


 

Hệ thống xử lý nước thải giúp kiểm soát nguồn nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.

 

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, hiện Đồng Nai có 28/28 KCN đang hoạt động đã cơ bản xây dựng hoàn thành NMXLNTTT. Tỷ lệ đấu nối nước thải của các DN vào NMXLNTTT của các KCN đã đạt trên 90%. Tuy nhiên, chất lượng xử lý nước thải tại một số NMXLNTTT vẫn chưa ổn định và đạt chuẩn.


DN đấu nối cần đảm bảo giới hạn tiếp nhận


Xung quanh vấn đề đảm bảo chất lượng xử lý nước thải đạt chuẩn, một số DN hạ tầng cho biết: để xử lý nước thải đạt chuẩn, ngoài việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với các ngành nghề mà KCN sẽ thu hút đầu tư, có 2 yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng xử lý nước thải tại các KCN là trình độ, sự chuyên nghiệp của đơn vị hoặc bộ phận vận hành nhà máy xử lý nước thải và ý thức đảm bảo giới hạn đấu nối thoát nước vào các NMXLNT của các DN trong KCN.


Qua thực tế giám sát chất lượng nước thải tại các KCN ở Đồng Nai, Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai cũng cho biết, các KCN xử lý nước thải đạt chuẩn đều có bộ phận vận hành có trình độ và chuyên môn tốt. Đồng thời, các DN đấu nối vào NMXLNTTT đều đảm bảo đạt giới hạn tiếp nhận. Đặc biệt, ở các DN có tính chất nước thải phức tạp và khó xử lý như các DN xi mạ, dệt nhuộm… đều đầu tư công trình xử lý nước thải tại các nhà máy của DN trước khi xả thải vào hệ thống XLNTTT của KCN.


Đơn cử như tại KCN Long Thành, Công ty TNHH Global Dyeing hoạt động trong ngành dệt nhuộm đã đầu tư hơn 2 triệu USD để xây dựng công trình xử lý nước thải cục bộ có công suất 7.000 m³/ngày đêm, bao gồm đầy đủ các quy trình xử lý hóa lý, xử lý vi sinh. Toàn bộ nước thải của Global Dyeing được xử lý trước khi đấu nối vào NMXLNTTT của KCN Long Thành.


Còn tại KCN Biên Hòa 2 - KCN đầu tiên ở Việt Nam có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh và xả thải đạt chuẩn, nhiều DN cũng đã đầu tư các công trình xử lý nước thải cục bộ khá bài bản. Như trường hợp Công ty Nestlé Việt Nam đã thực hiện việc kiểm soát chất lượng nguồn nước thải rất tốt thông qua hệ thống xử lý nước thải của công ty. Theo đó, nước thải sinh hoạt và sản xuất của nhà máy Nestlé Việt Nam hiện khoảng 4.500m³/ tháng được đưa vào một hệ thống xử lý rất hiện đại và được quản lý bởi hệ thống điều khiển tự động có thiết bị đo để giám sát chất lượng nước đầu vào và đầu ra. Sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, nước thải mới được đưa ra đường ống đấu nối với hệ thống xử lý nước thải chung của KCN Biên Hòa 2.


Chọn DN vận hành chuyên nghiệp


Trong năm 2013, Sở Tài nguyên và môi trường đã thực hiện quan trắc, giám sát nước thải tại 19 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Kết quả có 17/19 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành ổn định và đạt quy chuẩn môi trường. Trong số 17 KCN này, các KCN như: KCN Nhơn Trạch 2, KCN Long Thành, KCN Gò Dầu, KCN Biên Hòa 2… là những KCN có NMXLNTTT vận hành tốt, chất lượng xử lý nước thải đạt chuẩn và có độ ổn định cao.


Đại diện Công ty D2D - chủ đầu tư KCN Nhơn Trạch 2 cho biết: “Ngay từ khi đầu tư xây dựng NMXLNTTT (công suất 5.000m³/ngày đêm), chúng tôi đã tính đến chuyện thuê đơn vị có thâm niên và kinh nghiệm trong lĩnh vực vận hành NMXLNTTT. Và đơn vị chúng tôi chọn là Công ty CP Dịch vụ Sonadezi - đơn vị đang trực tiếp vận hành nhiều NMXLNTTT tại các KCN ở Đồng Nai. Và kết quả xử lý nước thải đạt chuẩn trong suốt nhiều năm qua đã cho thấy chúng tôi quyết định đúng”.


Ông Chu Thanh Sơn - Phó TGĐ Tổng Công ty Phát triển KCN (Sonadezi) cho biết: “Tại 11 KCN do Sonadezi làm chủ đầu tư và quản lý, Sonadezi đã đầu tư khoảng 350 tỷ đồng để xây dựng các NMXLNTTT hiện đại với tổng công suất 40.800m³/ngày đêm. Hiện phần lớn các NMXLNTTT trong KCN của Sonadezi đều giao cho một đơn vị thành viên của Sonadezi chuyên về lĩnh vực xử lý nước thải công nghiệp là Công ty CP Dịch vụ Sonaezi (SDV) đảm nhận. Điều này vừa đảm bảo các NMXLNTTT của các KCN được vận hành ổn định, đạt chuẩn vừa thể hiện định hướng chuyên nghiệp hóa ở từng lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ của Sonadezi là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu của khách hàng trong các KCN”.


Theo khảo sát tại nhiều KCN khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc chủ động tìm đơn vị vận hành NMXLNT chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm là một giải pháp khá hợp lý, đảm bảo hoạt động của NMXLNT luôn đúng quy trình và xả thải đạt chuẩn mà nhiều chủ đầu tư hạ tầng KCN lựa chọn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư KCN cũng cắt cử nhân sự có chuyên môn thường xuyên phối hợp với đơn vị vận hành để kịp thời xử lý tình huống hoặc cùng đưa ra các giải pháp trong các trường hợp hoặc những khó khăn phát sinh.


Ở góc độ của đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý nước thải, Công ty CP Dịch vụ Sonadezi cho biết: “Không chỉ đảm nhận việc vận hành NMXLNT, các đơn vị dịch vụ môi trường chuyên nghiệp sẽ luôn tư vấn cho chủ đầu tư cũng như các DN trong KCN những giải pháp môi trường tốt nhất, vừa tiết kiệm chi phí vừa đạt hiệu quả bảo vệ môi trường. Là một DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường, SDV cũng luôn cố gắng đầu tư về nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo hiệu quả công việc, giúp các chủ đầu tư KCN yên tâm và qua đó góp phần bảo vệ môi trường tại Đồng Nai”.


Được biết, hiện SDV có hơn 110 cán bộ, trong đó bao gồm 5 thạc sĩ, 29 kỹ sư, cử nhân và công nhân kỹ thuật chuyên ngành môi trường hoạt động trong các dịch vụ về kỹ thuật môi trường và tư vấn môi trường…. Đây là đội ngũ CB-CNV đã được đào tạo chuyên sâu và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường về các chuyên ngành hóa, vi sinh, kỹ thuật công nghệ môi trường, xử lý nước thải và vận hành hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xử lý nước thải, SDV hiện đang đảm nhận vai trò vận hành xử lý NMXLNTTT tại nhiều KCN lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.


Tăng cường giám sát


Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai: để thực hiện được mục tiêu 100% các KCN đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường, Sở sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN đang thực hiện, việc thực hiện đấu nối nước thải của các DN trong KCN theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2014, tỉnh Đồng Nai sẽ chi hơn 36 tỷ đồng để lắp đặt 6 trạm quan trắc nước thải tự động tại các KCN, bao gồm Agtex Long Bình, Giang Điền, Suối Tre, Xuân Lộc, KCN Nhơn Trạch 3 giai đoạn 1 và KCN Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2.


Dự kiến cuối quý II/2014, các trạm quan trắc trên sẽ được tiến hành lắp đặt. Sau khi được xây dựng, các trạm quan trắc sẽ truyền dữ liệu quan trắc tự động liên tục với tần suất 30 phút/lần về Sở Tài nguyên và Môi trường, qua đó giúp sở phát hiện kịp thời những KCN xử lý nước thải chưa đạt quy chuẩn.


Có thể nói, cùng với những nỗ lực từ các DN hạ tầng, các nhà đầu tư trong KCN và các đơn vị cung cấp dịch vụ vận hành NMXLNT thì việc thường xuyên giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng đang là những giải pháp được Đồng Nai tổ chức thực hiện đồng bộ nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát được toàn bộ nguồn nước thải ra môi trường và hướng đến 100% NMXLNT vận hành, xử lý nước thải đạt quy chuẩn.