09:01 17/09/2012

Xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng

Nguyên nhân của việc chưa phát hiện được nhiều, chưa xử lý được nghiêm minh và chưa đẩy lùi được nạn tham nhũng; phương hướng và giải pháp để đẩy lùi nạn tham nhũng cũng như những kế hoạch cụ thể để hạn chế và giảm thiểu tình trạng tố cáo, khiếu nại vượt cấp kéo dài…

Nguyên nhân của việc chưa phát hiện được nhiều, chưa xử lý được nghiêm minh và chưa đẩy lùi được nạn tham nhũng; phương hướng và giải pháp để đẩy lùi nạn tham nhũng cũng như những kế hoạch cụ thể để hạn chế và giảm thiểu tình trạng tố cáo, khiếu nại vượt cấp kéo dài… là những nội dung đã được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên VTV1- THVN tối 16/9.


 

Các vụ khiếu kiện về đất đai luôn chiếm tỷ lệ lớn. Ảnh: Hoàng Lâm -TTXVN

 

Trả lời câu hỏi của một số người dân về thực tế trong nhiều năm nay, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện rất tinh vi, phức tạp, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Trong những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2012, Đảng và Nhà nước, cũng như các cấp, các ngành, cùng toàn dân, đã tập trung rất cao trong công tác phòng chống tham nhũng, nhằm đẩy lùi một bước tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 3, khóa X. Cụ thể, trong năm 2012, đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ kê khai minh bạch tài sản, cho đến trách nhiệm người đứng đầu, cũng như điều tra xử lý tham nhũng… đã có những hiệu quả nhất định. Đây chính là những công cụ để phòng chống tham nhũng, giúp cho tình trạng tham nhũng trong một số lĩnh vực được kiềm chế.


Theo Tổng thanh tra Chính phủ, từ đầu năm đến nay, các cơ quan điều tra đã thụ lý 327 vụ án tham nhũng, với 822 bị can. So với cùng kỳ năm 2011 đã tăng 80 vụ và tăng hơn 200 bị can. Điều này đã thể hiện sự quan tâm, cũng như sự tập trung cao của Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành và toàn dân trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, xử lý tham nhũng. “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, chúng tôi thấy nổi lên mấy khó khăn, hạn chế, và nó cũng chính là nguyên nhân để tình trạng tham nhũng hiện nay diễn ra nghiêm trọng. Đó là thể chế, cơ chế thực hiện chính sách phòng ngừa và xử lý tham nhũng, như việc công khai, kê khai minh bạch tài sản hàng năm, công khai minh bạch tài sản đối với các nơi làm việc, nơi cư trú. Có quản lý kê khai tài sản tốt thì mới quản lý được việc tăng tài sản bất thường của người có chức vụ quyền hạn. Thứ hai là về vấn đề chuyển đổi vị trí công tác. Thứ ba là việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị khi xảy ra tham nhũng, hay là việc mua sắm tài sản có giá trị lớn của cơ quan nhà nước thông qua tài khoản… Những biện pháp này thời gian qua có triển khai, nhưng thực hiện chưa hiệu quả”- Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.


Cũng theo Tổng thanh tra Chính phủ, để có thể phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhằm đẩy lùi tình trạng tham nhũng, trước hết phải đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị, địa phương mình. Thứ hai, phải tích cực đề ra một số chính sách, gắn với cải cách thủ tục hành chính, nhằm thực hiện việc công khai, minh bạch. Theo Tổng thanh tra Chính phủ, hiện vẫn còn một số thủ tục rườm rà, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, gây phức tạp, khó khăn cho người dân, và đó cũng là mầm mống để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. Thứ ba, theo Tổng thanh tra Chính phủ, phải hoàn thiện các chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng theo hướng mở rộng đối tượng kê khai, đồng thời cần công khai việc kê khai tài sản.

 

Hoàn thiện chính sách để hạn chế khiếu kiện


Thừa nhận việc thời gian gần đây, các vụ tố cáo, khiếu nại ngày càng diễn biến phức tạp, tăng cao, đồng thời có nhiều vụ tố cáo khiếu nại vượt cấp và kéo dài, gây bức xúc trong người dân, tuy nhiên, Tổng thanh tra Chính phủ cũng khẳng định: Trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2012, các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành… đã tập trung cao cho việc thực hiện giải quyết tố cáo, khiếu nại. Từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận, giải quyết trên 50.000 đơn khiếu nại, trong tổng số 70.000 đơn được gửi đến, đạt trên 84%. Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá: “Đây là một kết quả tốt. Nhiều vụ việc khiếu nại đông người, vượt cấp, kéo dài, lâu ngày… đã được giải quyết đến nơi đến chốn”.


Tuy nhiên, cũng theo Tổng thanh tra Chính phủ, trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, dẫn tới việc người dân bức xúc, đi khiếu nại, tố cáo ngày càng nhiều. Thứ nhất, chính sách pháp luật của chúng ta ban hành chưa kịp thời, hoặc là điều chỉnh chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt là chính sách giải quyết khiếu nại về đất đai. Hiện nay, tỉ lệ khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm trên 70% trong cả nước, trong khi thời gian qua, chính sách pháp luật về đất đai chưa được điều chỉnh phù hợp. Ngoài Luật Đất đai đang tiến hành sửa đổi, thì theo Tổng thanh tra, các quy định khác, đặc biệt là quy định về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng lại chưa phù hợp, nên chưa đảm bảo được quyền lợi cho người dân, khiến người dân bức xúc, đi khiếu kiện.


Nguyên nhân thứ hai, theo Tổng thanh tra Chính phú, là tình trạng một số địa phương thực hiện công tác giải quyết, khiếu nại chưa tốt, còn tình trạng đùn đẩy kéo dài, thực hiện không đến nơi đến chốn, làm người dân bức xúc vì phải đi lại nhiều lần. “Thứ ba là do người dân không hiểu biết về pháp luật, nên cứ muốn khiếu nại vượt cấp, vì cho rằng cứ khiếu nại vượt cấp càng cao, thì sẽ được giải quyết càng nhanh” - Tổng thanh tra Chính phủ lý giải.


Để giải quyết tình trạng này, theo Tổng thanh tra Chính phủ, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các phòng tiếp dân ở địa phương và Trung ương. Cần gắn việc tiếp dân với việc đối thoại, hướng dẫn, giúp người dân hiểu được thẩm quyền và cách đi khiếu nại, tố cáo thế nào cho hiệu quả.


NHÓM PHÓNG VIÊN