05:01 07/05/2012

Xử lý nghiêm để siết chặt hoạt động lò mổ

Nước ta hiện có hơn 17.000 lò giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chủ yếu là lò mổ thủ công nên rất mất vệ sinh và là nguyên nhân phát sinh dịch bệnh. Việc kiểm soát hoạt động các lò mổ này đang có nhiều bất cập, nhất là trong điều kiện các lò mổ thủ công áp đảo các lò mổ tập trung.

Nước ta hiện có hơn 17.000 lò giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chủ yếu là lò mổ thủ công nên rất mất vệ sinh và là nguyên nhân phát sinh dịch bệnh. Việc kiểm soát hoạt động các lò mổ này đang có nhiều bất cập, nhất là trong điều kiện các lò mổ thủ công áp đảo các lò mổ tập trung.

Tràn lan cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh

Kết quả từ 2 đợt kiểm tra các cơ sở giết mổ lợn và trang trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cuối tháng 4/2012 cho thấy tình trạng vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc gia cầm rất đáng lo ngại. Hà Nội hiện có 6 cơ sở giết mổ tập trung dây chuyền hiện đại nằm ở các huyện ngoại thành.

Phổ biến tình trạng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ảnh là cơ sở giết mổ Vinh Anh (Thanh Xuân, Hà Nội).

 

Trong khi các lò mổ tập trung được đầu tư hiện đại gần như “đắp chiếu” thì các điểm giết mổ nhỏ lẻ lại sôi động. Hà Nội hiện có 444 điểm giết mổ gia súc, gia cầm với trên 3.700 hộ dân làm nghề nằm rải rác phân tán trong các khu dân cư và 13 cơ sở tập trung giết mổ gia súc, gia cầm bán thủ công (đây là các khu tập trung giết mổ các chủ thuê mổ là các thương lái, và giết mổ thuê cho các hộ đến mua gia súc). Theo Chi cục Thú y Hà Nội, các cơ sở này chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, chưa thực hiện đúng quy trình giết mổ: phương tiện giết mổ thủ công, giết mổ trên sàn, không có móc treo. Việc vận chuyển gia súc cũng không đúng quy định, lợn sau giết mổ được vận chuyển bằng xe máy không che đậy vì vậy không đảm bảo vệ sinh thú y.


Theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Hoàng Văn Năm: “Ở vùng nông thôn các tỉnh đồng bằng Bắc bộ (Nam Định, Hà Nam, Thái Bình...) khá phổ biến tình trạng khi nông dân bán lợn thì thương lái đến mua và làm thịt luôn tại chỗ để mang đi tiêu thụ. Cách này gây khó cho việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn ở thị trấn, thị tứ, thành phố cũng chỉ có khoảng 30% sản phẩm gia súc được giết mổ tại các cơ sở có thể kiểm soát được. Còn lại, 70% vẫn là giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ khó kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

 

Phải xử lý nghiêm cơ sở vi phạm


Trong quý I/2012, ngành nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra hơn 600 lò mổ trên toàn quốc, phát hiện có 53,19% cơ sở vi phạm nghiêm trọng và đoàn đã kiểm tra, lập văn bản và kiến nghị xử lý. Để tránh trường hợp kiểm tra, xếp loại xong rồi những cơ sở vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thú y cần báo cáo kết quả xử lý những cơ sở vi phạm và hướng xử lý trong thời gian tới để tạo ra sự chuyển biến trong vấn đề kiểm soát giết mổ. Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành thú y cho biết sẽ quay trở lại kiểm tra kết quả địa phương xử lý các trường hợp vi phạm để có kiến nghị.


Lãnh đạo ngành NN&PTNT nhấn mạnh, việc chấn chỉnh công tác giết mổ là một trong những trọng tâm của ngành hiện nay. Theo quy định hiện hành, những cơ sở vi phạm nghiêm trọng phải ngừng hoạt động. Nếu quá trình kiểm tra sắp tới, Cục Thú y thấy địa phương nào chưa thực hiện đúng quy định này, Bộ NN&PTNT sẽ yêu cầu địa phương phải làm rõ trách nhiệm.

Khó làm quy hoạch công tác giết mổ


Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Cái khó nhất và tồn tại từ nhiều năm nay là công tác quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa được các tỉnh quan tâm đúng mức”. Về công tác quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hiện tại, chỉ có TP Hồ Chí Minh làm khá tốt, còn nhất là các tỉnh phía Bắc còn làm chậm. Vẫn còn 6 tỉnh chưa thực hiện và 19 tỉnh đang thực hiện. “Cần làm điểm và rút kinh nghiệm. Việc này nếu chính quyền và các ngành ở địa phương không tập trung làm thì Bộ cũng chịu”, ông Năm nhấn mạnh.


Mục đích của việc quy hoạch các cơ sở giết mổ là để dễ quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng theo ông Hoàng Văn Năm, song song với việc quy hoạch, cần tính toán và lường đến việc, quy hoạch có được người dân hưởng ứng hay không. Bởi vì đã có nhiều khu giết mổ tập trung được xây dựng theo quy hoạch nhưng lại bị bỏ hoang hoặc không hoạt động hết công suất. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, phải quy định các cơ sở giết mổ áp dụng tuân thủ quy trình giết mổ một cách quyết liệt và có chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích để các cơ sở giết mổ công nghiệp vận hành sản xuất.


Tuy nhiên, trước mắt, khi chưa quy hoạch được hệ thống các lò mổ, theo một đại diện ngành công thương của Hà Nội, cần quản chặt các lò mổ thủ công. Bởi, việc quản lý giết mổ thủ công không tốt thì khu giết mổ tập trung có đầu tư hiện đại đến mấy cũng không “sống” được.


Mạnh Minh