09:17 13/09/2014

Xử lý khủng hoảng di cư và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài

Việt Nam có số lượng công dân di cư ra nước ngoài khá đông. Đến nay đã hình thành một cộng đồng người Việt ở nước ngoài với khoảng hơn 4,5 triệu người cư trú rải rác tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ ngày 12-13/9, tại tỉnh Phú Yên, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư thế giới (IOM) tổ chức hội thảo “Xử lý khủng hoảng di cư và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài” với sự tham gia của 16 cơ quan ngoại vụ của các địa phương trong nước và các chuyên gia nước ngoài.

Các lao động Việt Nam rời Libya lên máy bay về nước hồi tháng 8/2014. Ảnh: TTXVN


Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận ở các vấn đề như: Một số vấn đề khủng hoảng di cư; khung hoạt động dành cho khủng hoảng di cư; bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng; cơ chế phối hợp trong việc nhận trở lại công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về khi xảy ra khủng hoảng; sơ tán lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước năm 2011 và bài học kinh nghiệm; biến đổi khí hậu, nguyên nhân tiềm ẩn của khủng hoảng di cư; sử dụng Quỹ Bảo hộ công dân, hỗ trợ công dân ở nước ngoài.

Theo tổ chức Di cư thế giới: “Khủng hoảng di cư là dòng người di cư với quy mô lớn, phức tạp; có thể xảy ra bất ngờ hoặc ban đầu từ từ nhưng sau diễn ra ồ ạt trong một quốc gia hoặc qua biên giới”.

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng di cư được xác định là do: bất ổn về chính trị; biến đổi khí hậu và thảm hoạ thiên nhiên; xung đột vũ trang; sự phát triển của các dự án quy mô lớn; khủng hoảng kinh tế. Việc khủng hoảng di cư sẽ có tác động đối với nước gốc là kiều hối sụt giảm; tỷ lệ thất nghiệp tăng… Đối với người di cư sẽ mất việc làm, tài sản, giấy tờ tuỳ thân; tính mạng bị đe doạ; nợ nần…

Từ thực tiễn, tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các lĩnh vực mà người di cư cần được trợ giúp như: Hỗ trợ di chuyển cho người bị ảnh hưởng; hỗ trợ về chăm sóc sức khoẻ y tế toàn diện; giảm tổn thương về tâm lý; phòng chống buôn bán người và bảo vệ người di cư dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em); hỗ trợ các thủ tục lãnh sự gồm giấy tờ thông hành, hộ chiếu…

Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có số lượng công dân di cư ra nước ngoài khá đông. Đến nay đã hình thành một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với khoảng hơn 4,5 triệu người cư trú rải rác tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để giải quyết vấn đề cư trú của công dân Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên, Việt Nam đã nỗ lực hợp tác, đàm phán, ký kết các hiệp định hay thoả thuận đề nghị các nước liên quan tạo điều kiện thuận lợi về cư trú, định cư để người Việt Nam sinh sống hợp pháp và hòa nhập với cộng đồng nước sở tại.

Khi một số quốc gia xảy ra tình trạng bất ổn, Việt Nam đều phối hợp với các bên liên quan tiến hành các cuộc sơ tán công dân. Ví dụ như: vào tháng 7/2006, Việt Nam đã tổ chức sơ tán 200 lao động tại Liban. Năm 2011, do tình hình xung đột, nội chiến diễn ra phức tạp tại Libya, Việt Nam đã triển khai một chiến dịch sơ tán cho hơn 10.500 lao động về nước an toàn...

Để thực hiện thành công các chiến dịch sơ tán này, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ của tổ chức Di cư thế giới (IOM). Điều này cho thấy, Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với công dân, coi trọng việc bảo hộ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.


Vũ Xuân Triệu