01:20 23/01/2015

Xu hướng bán cổ phần cho doanh nghiệp ngoại

Việc bán cổ phần của DN nội là xu hướng tất yếu, với số tiền có được sau khi bán cổ phần, các DN sẽ đẩy mạnh sản xuất.

Đứng trước sức ép cũng như cơ hội lớn khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định trong năm 2015, nhiều doanh nghiệp (DN) nội đã có sự chuẩn bị để phát triển kinh doanh. Ngoài đa dạng các sản phẩm, nâng cao chất lượng, nhiều DN lớn đã bán cổ phần cho DN ngoại nhằm tăng sức cạnh tranh.

Trung tâm điện máy Nguyễn Kim kỳ vọng sau thương vụ “bán mình” sẽ trở thành thương hiệu số 1 tuyệt đối trong ngành bán lẻ điện tử tiêu dùng


Tăng vốn sản xuất

Mới nhất là câu chuyện của Trung tâm điện máy Nguyễn Kim, một trong những DN kinh doanh điện máy lớn nhất Việt Nam, đã được Power Buy, một công ty trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group mua lại 49% cổ phần.

Power Buy được đánh giá là một trong những nhà bán lẻ hàng điện máy, điện tử hàng đầu Thái Lan, với hơn 80 cửa hàng trên toàn quốc. Sự kết hợp của hai nhà bán lẻ hàng đầu trong cùng ngành hàng này sẽ tạo một thế mạnh hơn và sẽ là đối thủ đáng gờm đối với các nhà bán lẻ ngành điện máy trong nước hiện nay.

Trước đó, Tập đoàn Kinh Đô cũng đã chuyển cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez International với giá trị khoảng 370 triệu USD (tương đương 7.846 tỷ đồng), nâng lượng tiền mặt lên lên 9.753 tỷ đồng.

Không chủ động như hai DN trên, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) buộc phải gật đầu chấp nhận trở thành cổ đông nhỏ, nhận khoản vốn đầu tư khoảng 45 triệu USD từ quỹ VOF (thuộc VinaCapital) và Daiwa PI Partners nhằm có thêm vốn đầu tư cho lĩnh vực cốt lõi là sữa trong bối cảnh đang ở thế thua toàn diện trước hai đối thủ Vinamilk và TH true MILK. Sau khi thương vụ hoàn tất, IDP tăng vốn lên 460 tỷ đồng.

Ngành thực phẩm được xem là có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt nên nhiều doanh nghiệp như Masan Consumer (thuộc sở hữu của Masan Group) cũng đã chào mua công khai 49% cổ phần Cholimex Foods, thời gian thực hiện trong vòng một tháng từ 29/11 đến 29/12/2014.

Cholimex Foods được đánh giá là có thế mạnh tại cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu (với các mặt hàng chả giò, chạo tôm, há cảo, tôm tẩm bột, lẩu hải sản…), nên là cơ hội tốt để Masan tăng sức mạnh của mình.

Tìm hướng phát triển kinh doanh


Theo các chuyên gia, hiện có 12 nước tham gia đàm phán vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với quy mô dân số lên tới 800 triệu dân, chiếm 40% GDP toàn cầu.

Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi sắp ký kết TPP. Vì vậy, việc bán cổ phần của DN nội là xu hướng tất yếu. Với số tiền có được sau khi bán cổ phần, các DN sẽ đẩy mạnh sản xuất.

Điển hình như Nguyễn Kim, sau khi được sự hậu thuẫn to lớn từ các tập đoàn điện tử và các đối tác chiến lược đã đề ra kế hoạch phát triển mạnh mẽ trong năm 2015.

Cụ thể: Đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 50%/năm, chiếm lĩnh 30% - 40% thị phần cả nước với độ phủ 32/64 tỉnh thành; Top 10 Thương hiệu Việt Nam, thương hiệu số 1 tuyệt đối trong ngành bán lẻ điện tử tiêu dùng; Trở thành một công ty đại chúng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, Nguyễn Kim còn mở rộng liên kết, hợp tác với các tổ chức thanh toán tín dụng, ngân hàng để thêm nhiều quyền lợi mua sắm cho khách hàng với giá tốt nhất.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương thì thị trường ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam mới được xem là “con gà đẻ trứng vàng”. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, từ nay đến năm 2016, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt khoảng 29,5 tỷ USD. Vì vậy, sau khi Kinh Đô bán 80% cổ phần

Chính vì vậy, sau khi Kinh Đô bán 80% cổ phần ở mảng bánh kẹo, tập đoàn này công bố sẽ tập trung chuyên sâu hơn vào ngành thực phẩm là sản xuất dầu ăn, mỳ gói, cà phê, kem lạnh….

Nhiều DN nhận định, hướng đi của Kinh Đô được xem là tức thời bởi theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường dầu ăn và mỳ gói Việt Nam có quy mô xấp xỉ trên dưới 1 tỷ USD/năm cho mỗi lĩnh vực.

Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), mỳ gói là bước đệm thích hợp để DN tiến sâu hơn vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.

Phần lớn, những DN bán cổ phần cho DN ngoại chủ yếu là DN lớn mạnh, có tầm nhìn xa nên dự đoán được tương lai sẽ khó địch lại đối thủ ngoại cùng lĩnh vực khi tràn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì dù DN ngoại mua bao nhiêu % cổ phần của DN nội cũng đều có chủ đích là thâu tóm đối thủ, thậm chí là triệt tiêu đối thủ.

Câu chuyện về thương hiệu giải khát Tribeco là một ví dụ điển hình khi bị đối thủ “tiêu diệt” bằng cách mua lại cổ phần của Công ty này và đưa ra những chiến lược sai khiến Tribeco đi vào con đường thua lỗ, buộc phải bán hết cổ phần của mình.

Còn với những DN vừa và nhỏ thì nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà bởi đối thủ mạnh sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại trong năm 2015 là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, cách tốt nhất để giúp những DN này tồn tại và phát triển là các Hiệp hội từng ngành nghề phải phát huy được sức mạnh của mình.

Bên cạnh đó, các DN nội phải liên kết để tạo sức mạnh kinh doanh, không để DN ngoại lấn sân và mất dần đi thị phần trên sân nhà. Hơn thế nữa, Chính Phủ cần có chính sách hỗ trợ thông thoáng về pháp lý cũng như về vốn để DN vừa và nhỏ đầu tư, phát triển sản xuất hiệu quả nhất.


Bài và ảnh: Hải Yên