07:20 17/07/2014

Xót xa hiện vật văn hóa bị mối mọt gặm nhấm

Gần 10 năm nay, những hiện vật là biểu tượng của tinh hoa văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn xếp ngổn ngang... Đây chính là lý do khiến mối mọt và các yếu tố tiêu cực của thời tiết đang dần “gặm nhấm” những hiện vật mang giá trị văn hóa này.

Gần 10 năm nay, những hiện vật là biểu tượng của tinh hoa văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn xếp ngổn ngang trong dãy phòng tạm cấp 4 do Bảo tàng Lai Châu mượn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây chính là lý do khiến mối mọt và các yếu tố tiêu cực của thời tiết đang dần “gặm nhấm” những hiện vật mang giá trị văn hóa này.

 

Theo cán bộ Bảo tàng Lai Châu: Bảo tàng chỉ thực hiện được chức năng nghiên cứu chứ không thể trưng bày vì chưa có nhà bảo tàng theo đúng nghĩa. Không gian bảo quản hiện vật chỉ là nhà tạm cấp 4 nên không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn. Bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản tại kho tạm hơn 35.000 hiện vật khảo cổ là những hiện vật được khai quật ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát, hiện vật văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh... Với kho tàng hiện vật đồ sộ như vậy, các nhân viên thực sự "lực bất tòng tâm" với công tác bảo quản, trưng bày.

 

Khuôn viên chật hẹp khiến việc bảo quản hiện vật của Bảo tàng Lai Châu trở nên rất khó khăn.


Tận mắt chứng kiến những hiện vật bằng đá được cho vào từng bao tải nhỏ, xếp chất đống, chiếm đến 1/3 phòng làm việc, nhiều người không khỏi xót xa. Do không có phòng xử lý hóa chất nên chai, lọ sơn, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu và các dụng cụ khác phục vụ công tác bảo quản, chống mối mọt xâm hại được để chung với các hiện vật bằng gỗ. Những dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của các dân tộc xếp theo từng tầng do không gian quá chật. Ngoài sân, chiếc thuyền mộc đuôi én của dân tộc Thái “đắp bạt, phơi mình” mặc cho mưa gió và nắng gắt…


Công việc hàng ngày của chị Trần Ngọc Huyền - cán bộ phụ trách Tổ bảo tàng là tập hợp, đánh dấu, phân loại, lau chùi và bảo quản các hiện vật cổ. Để khắc phục những khó khăn, chị và các nhân viên phải sắp xếp hợp lý từng mục văn hóa theo niên đại và theo từng dân tộc khác nhau cho dễ kiểm kê. Một tuần 4 buổi làm công tác bảo quản, chị Huyền cho biết: Cơ sở vật chất thiếu đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác bảo quản hiện vật, nhất là các loại hiện vật bằng gỗ, vải, sợi, ống nứa. Khi trời nắng, nhân viên phải đem hiện vật ra phơi, hong gió rất mất công và thời gian. Do không có hệ thống ngăn sự xâm hại từ môi trường bên ngoài nên hiện vật vẫn được bảo quản theo hình thức thủ công, rất độc hại cho người xử lý.


Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, công tác thu gom, sưu tầm hiện vật của Bảo tàng cũng khá chật vật vì kinh phí hạn hẹp. Hiện Bảo tàng chỉ được cấp 100 đến 150 triệu đồng kinh phí mỗi năm để làm tất cả các khâu từ di chuyển, khảo sát, sưu tầm, thu gom, vận chuyển, trả công người dẫn đường…


Để phát huy giá trị văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng, rất cần quan tâm đến công tác bảo tồn hiện vật văn hóa, đặc biệt là nhà trưng bày, kho bảo quản, phòng xử lý hóa chất… Điều này góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa truyền thống của nhân dân và hơn nữa là không để những giá trị văn hóa bị mai một.

 

Bài và ảnh: Quang Duy