07:12 10/07/2014

Xóa nghèo căn cơ cho Tây Nguyên

Thời gian qua, kinh tế các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm cao trong khi cơ cấu kinh tế toàn vùng Tây Nguyên chuyển dịch chưa theo hướng phát huy lợi thế đặc thù.

Thời gian qua, kinh tế các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm cao trong khi cơ cấu kinh tế toàn vùng Tây Nguyên chuyển dịch chưa theo hướng phát huy lợi thế đặc thù.

Mới dựa vào lao động thủ công

Theo Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, trong hơn 10 năm qua vùng Tây Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng gần 13%/năm, GDP tăng gấp 3,4 lần so với năm 2001. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của Tây Nguyên trong giai đoạn vừa qua là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng.

Mức tăng trưởng này chỉ dựa vào lao động thủ công giá trị thấp. Hiện tại, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nhân lực, trí tuệ và năng suất lao động ở Tây Nguyên còn hạn chế. Lao động hiện nay chủ yếu là lao động không qua đào tạo nghề, do vậy khó tạo ra năng suất lao động và chất lượng hàng hóa cao. Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua giáo dục đào tạo nghề đối với vùng Tây Nguyên là vấn đề có tính then chốt.

Cơ cấu kinh tế vùng Tây Nguyên vẫn chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Ảnh: Viết Tôn


Ông Nguyễn Đình Hòa, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng hiệu quả đầu tư đồng vốn ở Tây Nguyên thấp là công tác quản lý kinh tế còn nhiều bất cập, tính chất thủ công, sử dụng công nghệ thấp nên phải bỏ ra rất nhiều vốn mới tạo ra được sản phẩm.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm, thủy sản truyền thống (chiếm khoảng 48%), trong nông nghiệp chăn nuôi chưa được phát triển mạnh, giá trị gia tăng chưa nhiều, công nghiệp chủ yếu phát triển ở các ngành khai thác tài nguyên như: Khai thác nguồn nước để phát triển thủy điện và khai thác tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, tỷ trọng công nghiệp chế biến có xu hướng giảm xuống và điều này cho thấy chuyển dịch cơ cấu thiên theo chiều rộng mà không đi vào chiều sâu, không dựa vào nâng cao năng lực cạnh tranh. Về mặt chất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành của vùng thời gian qua chưa bền vững. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản còn phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, giá cả… và quá trình phát triển này đánh đổi với suy thoái đất đai, suy giảm diện tích rừng.

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Đến nay, tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn 158.486 hộ nghèo (chiếm 12,56%) và 87.497 hộ cận nghèo (chiếm 6,93%). Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 133.700 hộ, chiếm 27,36%.

Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao. Một bộ phận cận nghèo, tiệm cận với mức chuẩn nghèo, nguy cơ tái nghèo cao, hàng năm tỷ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới khoảng 1/3 số hộ nghèo nên giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, nhất là các huyện, xã tỷ lệ nghèo còn cao, ngày càng có xu hướng tăng lên.

Với mục tiêu, yêu cầu và nguồn lực hiện nay, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt với vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Mục tiêu giảm nghèo thời gian qua còn những tồn tại là triển khai chậm và thiếu đồng bộ đã làm hạn chế đến kết quả thực hiện mục tiêu, đồng nghĩa với việc kéo dài quá trình thực hiện. Thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai thông tin phối hợp để khắc phục được hiện tượng triển khai chậm và thiếu đồng bộ. Tránh các trường hợp ban hành chính sách không phù hợp, chồng chéo như tự nhận định của các tỉnh để tăng cường sức mạnh trong việc thực hiện chủ trương giảm nghèo.

Hiện nay, kết quả giảm nghèo ở các tỉnh vùng Tây Nguyên chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhất là khu vực các huyện vùng miền núi Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao. Các chính sách giảm nghèo đã ban hành và thực hiện trong thời gian qua thường thiên về các chính sách hỗ trợ trực tiếp, mang tính trợ cấp, giải quyết khó khăn trước mắt cho hộ nghèo. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn và có thể nói là tạo dựng nền tảng cho quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Bên cạnh những chương trình giảm nghèo đã có, chính sách giảm nghèo thời gian tới cần hướng tới việc tạo điều kiện để người nghèo có ý thức tự vươn lên, phấn đấu tự thoát nghèo, đặc biệt là cần có những chính sách mang tính đột phá. Cần đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng giao thông đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn để khắc phục những hạn chế cách trở về tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, thúc đẩy việc giao lưu trong xã hội, từ đó hình thành và chuyển biến trong tâm thức về giảm nghèo không những cho từng người, từng hộ, thông qua đó những chương trình giảm nghèo khác liên quan đến hỗ trợ về văn hóa, tăng cường nhân lực từ đó thực hiện thuận lợi hơn.

Cần có cơ chế đặc thù

Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vào vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng nhằm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân và ưu tiên tạo việc làm cho lao động nghèo và lao động là người dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ cho các địa phương có dân di cư tự do (địa phương có dân đi) để hỗ trợ cho người dân yên tâm làm ăn, không di cư vào các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, đồng thời, cần có chính sách và nguồn lực hỗ trợ mạnh hơn cho các địa phương có dân di cư tự do đến để sớm ổn định dân cư, yên tâm sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách, như hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn mới, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49 của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, đồng thời tăng mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn… Cần sớm có cơ chế, chính sách trong công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ là dân tộc thiểu số, nhất là cần ưu tiên sử dụng đội ngũ học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp để góp phần tạo điều kiện cho đồng bào thoát nghèo bền vững…

Trong những năm qua, chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bình quân mỗi năm giảm được 3% hộ nghèo, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có tốc độ giảm nhanh. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn 53.094 hộ nghèo, chiếm 12,97% dân số; trong đó, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 35.618 hộ, chiếm 60,09% tổng hộ nghèo và chiếm gần 30,83% tổng số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Cái nghèo luôn dai dẳng

Thực tế cho thấy, nhiều hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng khó khăn cái nghèo luôn dai dẳng, kinh niên. Nhiều chuyên gia đã có những nghiên cứu cho rằng tỷ lệ hộ nghèo cao và dai dẳng của các nhóm dân cư này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bị cách biệt về địa lí và hạn chế trong tiếp cận thị trường. Cùng với việc đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo mang tính chất chiều rộng, đã đến lúc Chính phủ cần triển khai thêm và mạnh mẽ các chương trình giảm nghèo mang tính chất chiều sâu.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

V.T