11:09 28/11/2012

Xóa bỏ cây trinh nữ, chỉ 'phát' mà... không 'động'

Hàng năm, tỉnh Đắk Lắk đều phát động các chiến dịch xoá bỏ cây mai dương nhưng chỉ có “phát” mà ... không “động”, chẳng khác nào đánh trống bỏ dùi nên cây mai dương ngày một phát triển, năm sau cao hơn năm trước, xâm thực ngày càng nhiều gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp.

Hàng năm, tỉnh Đắk Lắk đều phát động các chiến dịch xoá bỏ cây mai dương nhưng chỉ có “phát” mà ... không “động”, chẳng khác nào đánh trống bỏ dùi nên cây mai dương ngày một phát triển, năm sau cao hơn năm trước, xâm thực ngày càng nhiều gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn có tổng diện tích cây mai dương trên 730 ha, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Krông Ana, Krông Pắk, Ea Súp... Trong 3 năm gần đây (từ năm 2010 đến 2012), tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư trên 2 tỷ đồng thực hiện 26 mô hình, tổ chức 190 buổi tập huấn cho đồng bào các dân tộc kỹ thuật phòng trừ, tiêu diệt cây mai dương.

Cây mai dương mọc nhiều dọc theo các tuyến kênh mương, sông suối... Ảnh: baodaklak.vn


Ngay trong năm 2012, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật phòng trừ cây mai dương, với 750 người tham gia, triển khai thực hiện 4 mô hình diệt cây mai dương bằng thuốc diệt cỏ, với diện tích 4 ha.

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Buôn Đôn đã triển khai mô hình điểm diệt trừ cây mai dương tại xã Ea Nuôl với diện tích trên 1 ha bằng phương pháp phun thuốc diệt cỏ Roundup 480SC cộng với Anco 720DD, tỷ lệ 4-1. Sau 3 đợt phun thuốc, cây mai dương chuyển từ héo vàng đến chết dần, thân cây chuyển sang màu đen, nhỏ lại, dễ gãy đốt cháy sạch.

Diệt trừ cây mai dương bằng phương pháp hoá học đạt hiệu quả cao hơn nhiều lần so với phương pháp thủ công. Các ngành chức năng ở Đắk Lắk đang khuyến cáo nhân rộng các mô hình này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ra quân diệt trừ cây mai dương không mang lại kết quả như mong đợi. Hết đợt phát động, cây mai dương lại tái sinh, phát triển càng ồ ạt hơn, nhất là ở các vùng công cộng như hệ thống kênh mương dẫn nước, các công trình thuỷ lợi, vùng đất hoang hoá...

Ngay tại huyện Ea Súp, năm 2010 mới chỉ có 40 ha cây mai dương nhưng sau các đợt phát động phong trào tiêu diệt cây mai dương thì nay đã tăng lên trên 93 ha. Huyện Lắk từ chỗ chỉ có 58 ha nay “bành trướng” tăng lên 85 ha. Huyện Ea Kar năm 2010 cũng chỉ có 79 ha nay tăng lên trên 90 ha...

Nguyên nhân là do các địa phương thiếu sự quan tâm trong việc chỉ đạo diệt trừ cây mai dương. Thậm chí, nhiều địa phương còn “khoán trắng” cho ngành nông nghiệp, chưa coi đây là việc làm cần thiết, cấp bách nên cứ để cây mai dương ngày càng xâm thực mạnh vào các vùng đất sản xuất....

Tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp thực hiện có hiệu quả trong việc phòng trừ cây mai dương, nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân, cả cộng đồng để thường xuyên diệt trừ cây mai dương không còn phát sinh, lan rộng gây hại trong sản xuất nông, lâm nghiệp, hệ sinh thái trên địa bàn.


Quang Huy