01:17 12/01/2015

Xếp hạng 7 cường quốc hàng đầu thế giới - Kỳ cuối

Nga là một quốc gia đang gặp khó khăn, nhưng nước này vẫn chưa hoàn toàn suy giảm. Đây vẫn là một cường quốc hạt nhân, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng tình báo và năng lực chiến tranh mạng hiệu quả; đặc biệt hiện đang được dẫn dắt bởi một vị tổng thống mạnh mẽ và quyết đoán.

Mở đầu năm 2015, chúng ta hãy xem xét xem các nước "G-7" - 7 cường quốc lớn nhất thế giới, xếp theo khả năng của họ trong việc định hình cả môi trường xung quanh họ và cả thế giới bên ngoài rộng lớn hơn – thực sự là những quốc gia nào?

5) Nga

Nga là một quốc gia đang gặp khó khăn, nhưng nước này vẫn chưa hoàn toàn suy giảm. Đây vẫn là một cường quốc hạt nhân; nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; quân đội được trang bị hiện đại vơi lực lượng tình báo và năng lực chiến tranh mạng hiệu quả, đặc biệt hiện đang được dẫn dắt bởi một vị tổng thống mạnh mẽ và quyết đoán.

Mặc dù đang gặp một số khó khăn về kinh tế nhưng Nga vẫn là một cường quốc toàn cầu. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin.


Một số điểm hạn chế của Nga cũng thường xuyên được chỉ ra ở phương Tây: Dân số của Nga đang suy giảm; nền kinh tế hậu Xô-viết vẫn chưa thực sự hiệu quả; có sự căng thẳng lớn giữa người dân tộc Nga và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác. Hiện nay, sự sụt giảm mạnh của giá dầu và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Nga, khiến tầm ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh của Moskva bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, những hạn chế trên có thể được bù đắp từ những tiềm lực mà Nga đã đạt được trong 15 năm qua cùng với mối quan hệ của nước này với các nước cộng hòa Baltic, một số nước ở Trung Á, vùng Caucasus và Trung Quốc.

Ngoài ra, Nga vẫn có những ảnh hưởng nhất định ở lục địa già trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát và chia rẽ, khi mà Hy Lạp và CH Síp thể hiện sự tức giận của mình trong EU; trong khi một số người ở Italy và Pháp coi Nga như một đối trọng có giá trị đối với một nước Đức hùng mạnh. Thổ Nhĩ Kỳ thì đang ngày càng không mặn mà trong các tổ chức như NATO và không còn tìm cách gia nhập EU một cách nghiêm túc. Những chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan gần đây có thể dễ dàng cho thấy nước này đang có mối quan hệ xích lại gần hơn với Moskva.

  6) Ấn Độ

Ấn Độ từ lâu đã có khả năng trở thành một quốc gia thành công trong thế giới hiện đại – có dân số lớn với nhiều người nói tiếng Anh hơn so với bất kỳ nước nào trên thế giới trừ Mỹ, một mạng lưới các tổ chức giáo dục tốt, một sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ cao và một nền dân chủ được đã được thiết lập.

Mặc dù chính phủ Ấn Độ từng khiến cho thế giới bên ngoài có cảm giác ngạc nhiên bởi khả năng hoạt động kém hiệu quả, nhưng Thủ tướng mới Narendra Modi đang được đánh giá là nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt quốc gia này thực hiện thành công các cải cách kinh tế, xóa bỏ các rào cản thương mại ở cả trong và ngoài nước. Nền kinh tế của Ấn Độ, vốn được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ, thực sự có thể cất cánh nếu chính phủ Modi thực sự có những chính sách hợp lý.

Ấn Độ từ lâu đã có khả năng trở thành một quốc gia thành công trong thế giới hiện đại.


Nhưng những điều điều kiện nhất định để biến Ấn Độ trở thành một cường quốc hiện nay đang ngày càng ít đi so với vị trí chiến lược của New Delhi trong việc cân bằng quyền lực ở châu Á. Bốn cường quốc (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ) vẫn luôn tìm cách đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực, và Ấn Độ được cho là linh hoạt nhất trong số này về sự lựa chọn của mình. Mỹ và Nhật Bản đều muốn xây dựng quan hệ chiến lược, dài hạn với Ấn Độ như là một phần của một cấu trúc châu Á mới để cân bằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Mặc dù Ấn Độ có những quan ngại nhất định về Trung Quốc, nhưng New Delhi cũng hiểu rằng họ có lợi hơn khi giữ một khoảng vừa phải với Tokyo và Washington. Với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ (thậm chí là cả Nga và các nước EU) - tất cả đều đang cạnh tranh để có được mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ, do đó Ấn Độ có thể tận hưởng những lợi ích của những mối quan hệ này mà không cần phải thực hiện bất kỳ cam kết nào.

Nếu quyền lực có nghĩa là sự tự do làm những gì bạn muốn, trong khi những nước khác phải “khiêu vũ” theo sự điều chỉnh của bạn thì Ấn Độ đang cho thế giới thấy điều đó trong những ngày này.

  7) Saudi Arabia

2014 là năm thứ hai liên tiếp mà Saudi Arabia khiến thế giới “rung chuyển”. Trong năm 2013, Saudi Arabia được cho là đã ủng hộ quân đội Ai Cập lật đổ chính phủ Morsi và khiến cho chính sách Trung Đông của chính quyền Obama rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trong năm 2014, Saudi Arabia đã góp phần làm cho giá dầu suy giảm, dẫn đến sự xáo động nền chính trị toàn cầu.

Cường quốc này đã cho thấy họ có thể làm được những việc có tác động lớn trên vũ đài quốc tế. Nhiều quốc gia khác có dân số lớn hơn, lực lượng quân sự mạnh hơn và nền tảng công nghệ tiên tiến hơn Saudi Arabia, nhưng họ lại thiếu khả năng  so với quốc gia này trong việc tiến hành một cuộc “cách mạng” để cân bằng địa chính trị và thiết lập lại nền kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2014, Saudi Arabia đã góp phần làm cho giá dầu suy giảm, dẫn đến sự xáo động nền chính trị toàn cầu.


Ở phạm vi khu vực cũng như trên toàn cầu, Saudi Arabia  đang có ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ cường quốc nào tại Trung Đông. Trên cơ sở đưa ra những báo động một mối đe dọa từ Iran, nước này đã thành lập được một liên minh mạnh mẽ bao gồm Ai Cập, UAE thậm chí cả Israel. Saudi Arabia tiếp tục gây sức ép buộc Qatar từ bỏ sự hỗ trợ cho tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập và gia nhập liên minh Arập. 

Nếu mối quan hệ với Iran trở nên tồi tệ hơn, Saudia Arabia có tự bảo vệ bản thân mà không cần sự ủng hộ của Mỹ, bằng cách tập hợp một liên minh dòng Sunni thống nhất kéo dài từ các nước vùng Vịnh đến Cairo. Cuối cùng, mối quan hệ với Pakistan, một mối quan hệ  đã được phát triển đều đặn khi Saudia ngày càng mất niềm tin vào Washington, sẽ đảm bảo rằng nước này có thể có bom hạt nhân của người Sunni trong khu vực để đối trọng với vũ khí hạt nhân của người Shi’ite.

Nhưng có lẽ đó là vấn đề trong tương lai xa. Vào cuối năm 2014, Saudi Arabia đã gây sửng sốt cho thế giới, bằng cách sử dụng sức mạnh kinh tế và chính trị và  sức thuyết phục của mình để buộc các nước "diều hâu" thuộc khối OPEC chấp nhận một sự sụp giảm giá dầu thế giới. Điều này đã tạo ra một số ảnh hưởng nhất định đến các công ty khai thác dầu sử dụng công nghệ “fracking” (công nghệ "bắn đá lấy dầu") của Mỹ, tuy nhiên những gì Saudi Arabia thực sự muốn là gây thiệt hại rất lớn về tài chính dầu khí mà Tehran phụ thuộc. Saudi Arabia, với trữ lượng dầu khổng lồ và nguồn tài chính dồi dào, có thể sẽ chỉ bị tác động phần nào khi giá dầu xuống thấp; nhưng nước này biết rằng Iran sẽ phải chịu đựng rất nhiều sự “đau đớn”.

Là nhà sản xuất dầu hàng đầu trên thế giới, Saudi Arabia có thể làm thay đổi quỹ đạo của các nền kinh tế quốc tế và làm xáo trộn ngân sách của hàng chục quốc gia khác, đồng thời là một quốc gia hàng đầu trong thế giới Hồi giáo và là lực lượng lãnh đạo không thể tranh cãi hiện nay của thế giới Sunni trong cuộc xung đột tôn giáo ở Trung Đông, Saudi Arabia xứng đáng có một chỗ đứng trong bàn cờ địa chính trị khu vực và toàn cầu giữa các cường quốc lớn nhất thế giới.


Công Thuận