12:16 18/12/2016

Xe “xanh” và quyền năng thay đổi bản đồ năng lượng thế giới

Các hãng chế tạo xe ô tô của Đức là BMW, Daimler, Porsche và Audi cách đây ít ngày thông báo “liên thủ” cùng Ford của Mỹ hợp tác đầu tư xây dựng mạng lưới khoảng 400 trạm sạc cho xe điện trên toàn lãnh thổ châu Âu.

Bước đi đầy bất ngờ trên của các “đàn anh” đã phần nào làm chắc thêm cơ sở cho dự báo của làng chế tạo ô tô thế giới rằng xe điện sẽ “lên ngôi” trong những năm tới đây. Theo báo cáo mới nhất của công ty tư vấn McKinsey & Co và Bloomberg New Energy Finance (BNEF) công bố hồi trung tuần tháng 11, đến năm 2030, ô tô điện (EV) có thể chiếm 2/3 lượng ô tô lưu thông trên đường ở các thành phố thịnh vượng như London và Singapore nhờ quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải, chi phí công nghệ giảm và sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đến loại phương thiện thân thiện với môi trường này.

Trạm sạc điện để phục vụ người dân khi sử dụng xe ôtô điện tại Hà Lan.

Cũng nhằm góp phần giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chính phủ nhiều nước hiện đang nỗ lực khuyến khích người dân sử dụng EV thông qua các chính sách trợ cấp và miễn giảm thuế cũng như đưa vào hoạt động các khu phát thải thấp (LEZ). Chi phí công nghệ cũng đang giảm đáng kể khi báo cáo trên chỉ ra rằng chi phí sản xuất pin lithium-ion dùng cho xe sạc điện đã giảm 65% từ 1.000 USD/kWh năm 2010 xuống còn khoảng 350 USD/kWh vào năm 2015, và được dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm xuống dưới 100 USD/kWh trong thập niên tới.

Ngoài ra, theo giới phân tích, sự lớn mạnh của công nghệ xe tự hành và dịch vụ chia sẻ xe – vốn thích hợp với EV – cũng sẽ tạo thêm đà cho sự phát triển của loại xe này trong tương lai không xa. Có thể nói, EV sẽ là một trong những nhân tố chủ chốt làm thay đổi bản đồ năng lượng thế giới trong thời gian tới, nhất là khi hơn một nửa tổng sản lượng dầu mỏ được dùng phục vụ ngành vận tải. Theo báo cáo trên, sự phát triển của xe điện có thể là “mối lo” cho các hãng sản xuất xe ô tô.


Liên quan đến vấn đề này, các công ty sản xuất dầu và các nhà chế tạo ô tô có hướng nhìn khác nhau. Ông Claudio Descalzi - Tổng giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí của Italy Eni S.p.A – là một trong số những người tin rằng mối "đe dọa" đến từ EV đối với ngành dầu khí là không lớn.


Trong báo cáo nhận định về triển vọng thị trường dầu, cả hai "đại gia" trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ là Exxon Mobil Corp (Mỹ) và đối thủ BP PLC đến từ nước Anh đều chung nhận định rằng đến năm 2035, các loại xe “xanh” như EV và xe hybrid (xe lai) sạc điện sẽ chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng xe mới được đưa ra thị trường.


Trong khi đó, các hãng chế tạo xe ô tô tỏ ra lạc quan hơn. Dieter Zetsche, Giám đốc điều hành của Daimler AG (Đức) cho biết mục tiêu của hãng là đến năm 2025 sẽ nâng doanh số bán xe EV lên 15-25% tổng doanh số của hãng trên toàn cầu. BMW AG (Đức) cũng đặt mục tiêu tương tự. Còn Giám đốc điều hành Ford (Mỹ) là ông Mark Fields hồi tháng Tư vừa qua cũng cho biết đến năm 2020, 40% các mẫu xe ô tô của hãng sẽ được “điện hóa”.


Giám đốc thương hiệu của hãng chế tạo ô tô Volkswagen (VW) của Đức, Herbert Diess mới đây cho biết hãng này sẽ không tiếp tục chào bán các dòng xe chạy động cơ diesel tại thị trường Mỹ và tập trung toàn lực vào việc sản xuất các dòng xe chạy bằng năng lượng sạch. Ông Diess cũng dự đoán ngành công nghiệp ô tô sẽ trải qua nhiều sự thay đổi mang tính cơ bản trong 10 năm tới và dòng xe điện sẽ sớm phát triển mạnh trước những mối quan ngại về môi trường. Tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu nước Đức này đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất dẫn đầu thế giới trong việc phát triển dòng xe chạy bằng điện trước năm 2025.

Kim Dung (Tổng hợp)